Tết này em đi... "tị nạn"!

(NTO) Như thường lệ, Xuân về, Tết đến, nhà nhà, ai ai cũng háo hức chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới tới. Vui mừng nhất có lẽ là lũ trẻ bởi chúng được cha mẹ mua sắm cho quần áo, giày dép mới và được phong bao lì xì. Cũng như mọi gia đình, vợ chồng tôi đang dọn dẹp nhà cửa đón Tết thì đứa em rể gọi điện đến: Nhà anh còn phòng không? Có chuyện gì vậy, tôi hỏi.

Hắn nói: Mà có phòng hay không? Hay là Tết này vợ chồng nó có khách… chắc có ẩn ý gì đây nên tôi đánh bài “lửng”: Anh đang có khách, có gì nói chuyện sau nhé.

Vợ “khôn” thì chồng “khổ”

Hẹn gặp chú nó tại quán nước nói chuyện để khỏi ảnh hưởng đến "tình hình" chung. Cùng cánh đàn ông với nhau dễ thông cảm hơn, vả lại tôi cũng chẳng lạ gì tính khí “sáng mát, trưa nắng, chiều mưa” của đứa em gái mình. Vừa gặp, chú vào đề ngay: Là em phòng xa, lỡ có gì còn có chỗ “tị nạn”. Tôi giật mình: Chú cứ làm như đang ở vùng chiến sự Ukraine vậy, Tết nhất đàn ông đàn ang phải lo gánh vác chuyện gia đình, có gì mà phòng xa, phòng gần. Đấy, cái khổ là “lo gánh vác” như anh Hai nói đấy. Thế rồi chú chia sẻ: Vợ em phải nói là giỏi giang, đảm đang nhưng chỉ có cái đỏng đảnh lại bảo thủ, muốn gì là phải có ngay và chẳng bao giờ chịu nhận mình sai cả. Anh xem, đồng lương công chức tạm đủ sống là mừng lắm rồi, vậy mà cô ấy cứ hỏi “anh còn tiền không”, cứ như em có kho báu nhưng giấu kín vậy. Một năm không biết bao nhiêu sự kiện làm cho quỹ đen (tiền làm ngoài giờ, trực lễ tết, công tác phí khoán...) luôn rơi vào trạng thái "âm". Ví như việc bạn bè có con tổ chức hôn lễ mời vợ chồng, vợ biểu chồng đi nhưng tiền mừng thì phán xanh rờn anh “tự xử”!? Chưa đến ngày 8-3, vợ đã nhắc khéo: Ừ, ngày Quốc tế phụ nữ, ba có chương trình gì cho con gái không hả? Rồi sinh nhật mẹ, kỷ niệm ngày cưới… Có lần không biết lấy đâu ra tiền để “tổ chức sự kiện” Valentine, em hỏi cô ấy: Em biết anh ước gì nhất không? Cô ấy đung đưa: Ước mấy em teen mắt đưa ngang đưa dọc chứ gì? “Teen nào bằng em được”, tôi nịnh khéo, anh ước mình là ông Hoạ tiên, vung nét bút là có…tiền. Tưởng cô ấy biết tình cảnh hiện tại thông cảm, ai dè buông một câu nghe mà chua chát: Thế ngày xưa (ngày yêu nhau) anh nói gì nhớ không, biết thế này thì… lại hát bài ca “truyền thống” cứ như muối xát mặt vậy.

Tết này anh xin “tị nạn”

Đấy là chuyện ngày thường, còn năm vừa rồi chưa đến tết, vợ em đã nhắc: Anh ơi, khoán cho anh quần áo mới cho hai đứa con đấy, đã vậy còn hỏi thòng “có ai mua tặng gì cho mình không nhỉ”? Tức khí em OK: Ai thích thì tớ tặng luôn... Ai dè, con vợ em nó cảnh báo: Có của quý không biết giữ, mất rồi mới tiếc. Mà quý thật bởi vợ mà bỏ đi, con lại theo mẹ thì sống có ý nghĩa gì phải không anh. Thôi thì chuyện cũ bỏ qua nhưng năm nay vợ em hát lại bài ca Tết Giáp Ngọ. Phần lời chẳng có gì mới nhưng ẩn dụ hơn “tết này cơ quan anh cho bao nhiêu? Quỹ đen còn bao nhiêu? Mình chuẩn bị tết thế nào đây anh..?” và giai điệu thì mượt mà quyến rũ làm sao. Cái ngữ này sao đây, đàn ông mà yếu kém như em thì có đáng mặt không? May là em có ít tố chất "thông minh": -“Ừ, em cứ kê ra giấy để anh tính toán. Nếu… thì xin em tết này cho anh đi tị nạn! Tưởng êm chuyện, ai ngờ vợ em hết sức dịu dàng “đi thì đưa giấy tờ nhà đất đây”. Nguy thật rồi, cầu cứu anh có cách nào giúp em đây?

Khôn dại - Dại khôn

Chuyện trong nhà xin kể lại để mọi người chia sẻ nhưng mong rằng mỗi gia đình dù vợ hay chồng thì cũng nên có khôn, có dại để bù đắp cho nhau khoảng trống tính cách, vật chất… để cùng nhau xây dựng giữ gìn gia đình hạnh phúc và mong rằng đừng có ai Xuân đến, Tết về phải xin “tị nạn” như chú em tôi. Chúc cho mọi gia đình Việt đón tết Ất Mùi tràn ngập yêu thương hạnh phúc!!!