Tết về nghe Chapi

(NTO) Những ngày giáp tết, tôi lại nhớ về bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến. Lời ca trữ tình với những hình ảnh: “Ở nơi ấy, đàn dê trắng nhởn nhơ quanh đồi. Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi. Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai”. Cây đàn được làm bằng một khúc tre già nhưng đã phản ảnh cốt cách, tình cảm chân thành gắn liền với đời sống văn hóa truyền thống của người dân địa phương.

Chapi là nhạc cụ độc đáo riêng có của tộc người Raglai tỉnh Ninh Thuận. Người làm đàn lên núi cao tìm được cây tre già không tì vết, đường kính phải đạt khoảng 7-8 cm, mỗi lóng tre phải dài 40 cm. Cây tre để trong bóng râm mát khoảng hai tháng cho thật khô mới đưa ra làm đàn.

Nghệ nhân Chamaleá Âu biểu diễn đàn Chapi.

Nghệ nhân khéo léo dùng mũi mác khoét vào thân đàn cho cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu, nâng dây tre cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái, khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Hai đầu thân đàn được bện chặt bằng dây mấu giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai đầu ống tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh tiếng đàn Chapi có hồn có vía. Khi đánh lên, lời ăn tiếng nói của nó mới đi qua tai nghe rồi ở lại mãi với lòng người. Chapi là nhạc cụ đơn giản nhưng có sức lan tỏa mãnh liệt trong đời sống tinh thần tộc người Raglai Ninh Thuận. Các xã vùng cao đã mở nhiều lớp truyền dạy chế tác và biểu diễn Chapi để bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai địa phương.

Người viết bài này đã được nghe các nghệ nhân Pinăng Thị Tâm (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái), Chamaleá Âu (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn) biểu diễn đặc sắc đàn Chapi. Âm thanh bật ra từ dòng chảy máu thịt của nghệ nhân hoà quyện cùng thiên nhiên tạo thành bản hoà âm núi rừng làm lưu luyến lòng người. Nghe các nghệ nhân say mê biểu diễn Chapi, tôi tưởng chừng có tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, có tiếng thác đổ mưa nguồn, có tiếng các loài chim reo vang giữa núi đồi, có lời mời chào thân mật của bản làng trong những mùa lễ ăn đầu lúa… Có lẽ do khởi nguồn từ cảm xúc dâng tràn này đã giúp cho nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác thành công nhạc phẩm Giấc mơ Chapi nổi tiếng được nhiều người yêu thích.

“Mùa màng thu hoạch xong rồi, lúa bắp đầy kho không còn lo đói lo nghèo nữa. Mình dành thời gian làm và đánh đàn Chapi cho bà con thôn xóm nghe chơi. Mình biết ơn nhạc sĩ Trần Tiến, bài hát Giấc mơ Chapi nói đúng bụng đúng dạ đồng bào Raglai. Nếu ngành Văn hóa mời về Phan Rang biểu diễn trong đêm văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân mới 2015, mình sẵn sàng mang đàn Chapi xuống núi phục vụ bà con”, trò chuyện với nghệ nhân Chamaleá Âu bên dòng Sông Do vào ngày giáp tết năm nay, ông phấn khởi nói.