Đưa pháp luật đi sâu vào đời sống nhân dân

(NTO) Công tác lập pháp được xem là điểm khởi đầu cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật nhằm nhanh chóng đưa Hiến pháp vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Căn cước công dân; Luật Hộ tịch, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết về Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông ... Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác lập pháp, qua đó cụ thể hóa các quy định mang tính nguyên tắc, nền tảng của Hiến pháp năm 2013 nhằm điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Tiếp tục duy trì, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo chủ trương chung, ngay từ đầu năm 2015, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai sinh hoạt “Ngày pháp luật” năm 2015 với nội dung cụ thể: Tập trung tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành trong năm 2015. Những kết quả đạt được trong triển khai “Ngày pháp luật” ở các cơ quan, đơn vị năm 2014 thực sự là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự nhận thức đúng đắn, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm chuyển tải pháp luật đến với nhân dân. Thông qua hoạt động “Ngày pháp luật”, ở từng cơ quan, đơn vị đã từng bước hình thành một đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật đông đảo, việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật từ đó cũng lan tỏa trong từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, cần đáng quan tấm là trình độ dân trí của bộ phận lớn người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thấp, do vậy công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngoài việc triển khai sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng cần lưu ý để đưa pháp luật thực sự đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân; “phủ sóng” đến cả vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các phương tiện thông tin đại chúng cần được đổi mới về hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thu hút người nghe, người đọc, giúp khắc phục tính khô khan của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có như vậy mới thực sự đáp ứng một cách thiết thực nhất nhu cầu tìm hiểu và vận dụng pháp luật trong đời sống của từng người dân, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện mục tiêu cuối cùng là mọi người đều “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.