Vấn đề hôm nay:

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân

(NTO) UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi trên địa bàn tỉnh. Dự thảo BLDS sửa đổi có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với BLDS năm 2005, Dự thảo BLDS sửa đổi giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

Theo đó, có 10 vấn đề trọng tâm của BLDS sửa đổi như: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự; quyền nhân thân của cá nhân; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu… Về thời hiệu và thời hiệu về thừa kế, dự thảo quy định về thời hiệu theo hướng: cá nhân, pháp nhân phải yêu cầu tòa án giải quyết vụ, việc dân sự trong thời hạn luật định;hết thời hạn đó mà cá nhân, pháp nhân mới có yêu cầu thì thay vì từ chối giải quyết yêu cầu như quy định hiện hành, tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự…

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung Dự thảo BLDS sửa đổi, bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Mục tiêu sửa đổi BLDS lần này là xây dựng BLDS thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia. Đồng thời ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao dịch dân sự; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế-xã hội sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành.

Một trong những quan điểm chỉ đạo đáng chú ý là xây dựng Dự thảo BLDS sửa đổi thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, có tính khái quát, dự báo và khả thi để bảo đảm sức sống, tính ổn định, kéo dài hàng thập niên của Bộ luật này. Dự thảo Bộ luật quy định nhiều vấn đề mới, có tính đột phá trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi chính thức được khởi động từ ngày 5-1. Tuy nhiên làm thế nào để việc lấy ý kiến được thực chất?.

Như đã nói trên, Dự án BLDS sửa đổi là một trong những dự án luật có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, … Chính vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến không những cần phải được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, mà còn phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, đây là một đạo luật khá phức tạp không phải người dân nào cũng hiểu và nắm rõ được. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến cần phải có phương pháp phù hợp tránh hình thức, nặng về tài liệu.

Cũng theo kế hoạch nói trên của UBND tỉnh, để việc lấy ý kiến đạt kết quả cao, các cấp, ngành, địa phương phải xem việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo BLDS sửa đổi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I năm 2015.