Cải cách hành chính: Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

(NTO) Hiện nay, cải cảnh hành chính (CCHC) đang được coi là khâu đột phá, là chìa khóa thành công để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hướng đến xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, thực sự là nền hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

Đồng chí Châu Thị Thanh Hà
Giám đốc Sở Nội vụ

Trong điều kiện là một tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển; tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Ninh Thuận vẫn là một tỉnh khó khăn, phát triển chậm so với các địa phương trong cả nước. Để thực hiện thành công theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta tập trung mọi giải pháp từ huy động nguồn lực đầu tư; tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư; phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng, cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế; nỗ lực, cố gắng, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện… Trong đó, công tác CCHC có vai trò hỗ trợ, tạo tiền đề để triển khai các giải pháp khác và đóng vai trò quyết định trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; góp phần thu hút đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Cán bộ tiếp công dân tại bộ phận “một cửa” thuộc UBND phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Ảnh: Văn Miên

Ngoài ra, thực hiện tốt công tác CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cải cách tổ chức bộ máy sẽ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước; qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần ổn định xã hội, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế.

Qua gần 4 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, công tác CCHC đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC-VC, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước; đã hoàn thành cơ bản Chương trình, Kế hoạch CCHC hàng năm của tỉnh đề ra; góp phần xây dựng các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, tiến tới xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại; cải thiện môi trường đầu tư và sự phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước với công dân. Tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Đẩy mạnh CCHC, xây dựng nền hành chính chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KTXH là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh; ngày 9-12-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2514/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch CCHC năm 2015 của tỉnh, trong đó đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác CCHC đã được phê duyệt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực; đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị. Tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp trên các lĩnh vực (định kỳ 1 quý/lần) và xây dựng chuyên mục “Dân hỏi, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trả lời” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (định kỳ 1 quý/lần).

Thứ hai, về cải cách thể chế: Thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Kế hoạch của HĐND tỉnh và UBND tỉnh; đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Tự kiểm tra, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các huyện, thành phố ban hành. Thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính: Đưa vào hoạt động mô hình một cửa hiện đại tại UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Triển khai thực hiện mô hình một cửa hiện đại Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO). Rà soát độc lập các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực để đơn giản hóa thủ tục hành chính hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân, nhất là trên lĩnh vực y tế.

Thứ tư, về cải cách tổ chức bộ máy: Kiểm tra tính hiệu quả việc phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở các cơ quan, đơn vị. Rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và phòng, ban chuyên môn cấp huyện. Tiếp tục thực hiện rà soát, xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức ở cấp tỉnh và huyện. Tiếp tục thực hiện rà soát, phân cấp, chuyển giao các nhiệm vụ trên lĩnh vực quản lý nhà nước cho cấp huyện, cấp xã theo tiến độ phân cấp của Trung ương.

Thứ năm, về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức giai đoạn 2013-2015. Đổi mới công tác đánh giá CB, CC, VC gắn với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch công tác trọng tâm năm 2015 của các cơ quan, đơn vị; trên cơ sở đó xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao thông qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy mạnh thực hiện chuẩn hóa đội ngũ CB,CC cấp xã. Triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho CB, CC trẻ ở cấp xã.

Thứ sáu, về cải cách tài chính công: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ bảy, về hiện đại hóa nền hành chính: Xây dựng đồng bộ mạng LAN cho 20 xã, phường, thị trấn. Triển khai phần mềm Văn phòng điện tử tại 35 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 4 đơn vị: Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 cho 40 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả triển khai, thực hiện CCHC tại đơn vị. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC chuyên trách thực hiện CCHC. Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền tạo nhận thức cho đội ngũ CB, CCVC, đồng thời kêu gọi người dân tích cực ủng hộ, tham gia vào công cuộc CCHC.