Cần có kế hoạch khắc phục hạn hán trong sản xuất vụ đông - xuân

(NTO) Từ gần 1 tháng nay, nông dân tỉnh ta đang tập trung thu hoạch vụ lúa mùa 2014 để chuẩn bị làm đất, gieo trồng vụ lúa đông-xuân 2014-2015. Vụ mùa năm nay, nhiều nông dân phấn khởi bởi năng suất cao và cho thu nhập khá. Tuy nhiên, bước vào vụ đông-xuân tới, với thời tiết nắng hạn, việc không đủ nước tưới để sản xuất, khiến nông dân canh cánh nhiều nỗi lo.

Niềm vui được lúa vụ mùa

Thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đã thu hoạch trên 9.200 ha lúa vụ mùa, đạt 75% diện tích gieo trồng, với năng suất đạt 50-55 tạ/ha. Trong đó, “vựa lúa” huyện Ninh Phước đã thu hoạch được 90% trong tổng số hơn 5.000 ha, năng suất trung bình 60 tạ/ha, riêng diện tích thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm”, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa mùa

Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, ông Phạm Nhật Thành (thôn Thái Giao, xã Phước Thái, Ninh Phước) rất phấn khởi khi vừa thu hoạch xong hơn 5 ha lúa với năng suất đạt 70 tạ/ha. Ông Thành cho biết: Vụ này, nhờ thời tiết khá thuận lợi và tiếp tục thực hiện mô hình “1 phải, 5 giảm” nên diện tích lúa của gia đình không bị sâu bệnh và cho năng suất cao, chất lượng tốt. Với giá bán lúa hạt tròn 5.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình có lãi hơn 75 triệu đồng.

Theo kế hoạch sản xuất, toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 20-1-2015 sẽ xuống giống dứt điểm vụ đông-xuân 2014-2015. Chính vì vậy, những hộ thu hoạch xong ở thời điểm này, khi có đủ điều kiện về nước tưới đã tranh thủ làm đất chuẩn bị xuống giống cho kịp vụ.

Lo thiếu nước vụ đông - xuân

Mặc dù được coi là vụ sản xuất chính trong năm, nhưng bước vào vụ sản xuất đông-xuân năm nay, do nắng hạn kéo dài, lượng nước chứa tại các hồ, đập bị thiếu hụt, không đảm bảo đủ tưới nên hầu hết các địa phương đều phải giảm diện tích gieo sạ hoặc ngưng vụ.

Một trong nhưng địa phương chịu ảnh hưởng của khô hạn phải kể đến huyện Thuận Nam. Mặc dù là địa phương có diện tích trồng lúa trên 3.000 ha/năm nhưng theo kế hoạch, vụ này địa phương chỉ xuống giống 230 ha, còn lại sau khi thu hoạch vụ mùa vẫn chủ yếu là bỏ đất trống, không sản xuất được bởi một số hồ chứa như Suối Lớn, Bàu Ngứ, CK7 đều đã xuống đến mực nước chết. Trong khi đó, lượng nước chứa còn lại tại các hồ lớn như Tân Giang và Sông Biêu chỉ còn chưa đầy 10 triệu khối, nên dành ưu tiên cho phục vụ nước sinh hoạt và gia súc.

Ông Trương Thành, thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh (Thuận Nam) có 1,5 ha đất sản xuất ở khu vực 18 ha- xứ đồng Gò Cà. Mặc dù đã thu hoạch xong lúa vụ mùa khá sớm, nhưng do không có nước nên vụ đông-xuân này đành phải bỏ không. Ông Thành nói: Bây giờ không có đủ nước để tưới ẩm thì không thể chuyển đổi cây trồng khác được. Có đào giếng thì vùng này cũng rất khó, bởi nước bị nhiễm mặn. Một số hộ đã cố đào thử, tuy tốn kém nhưng cũng không sử dụng được.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh (Thuận Nam), toàn bộ diện tích sản xuất lúa của địa phương trên 550 ha đều không có kế hoạch sản xuất. Hiện xã đang vận động các hộ dân tận dụng các nguồn nước ao hồ, đào giếng chuyển đổi sang cây trồng cạn như cỏ chăn nuôi, hành ớt, bắp, đậu. Tuy nhiên, số diện tích chuyển đổi được không nhiều, chủ yếu đất ruộng vẫn bỏ không do thiếu nước.

Cần có kế hoạch canh tác hợp lý

Theo số liệu của ngành Nông nghiệp-PTNT, tính đến nay, lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 40 triệu khối, đạt 20% dung tích thiết kế và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình nắng hạn có khả năng kéo dài từ nay đến tháng 4-2015, sẽ gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Chính vì vậy, vụ lúa đông-xuân này, theo kế hoạch toàn tỉnh chỉ xuống giống 10.636 ha trong tổng số 15.997 ha đất lúa; tập trung vào diện tích “ăn nước” từ hệ thống hồ Đơn Dương vì hiện nay lượng nước tại hồ này xấp xỉ dung tích thiết kế với lưu lượng nước đang xả gần 7 khối/giây.

Nông dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, chủ động đào ao bơm tưới cây trồng vụ đông xuân.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đối với những diện tích xuống giống cần có kế hoạch điều tiết, sử dụng nước hợp lý. Các địa phương nên chủ động chuyển đổi giống cây trồng cạn, kết hợp việc khơi thông kênh mương, làm tốt công tác thủy nông nội đồng để sản xuất vụ đông-xuân trong điều kiện khô hạn hiện nay.

Hy vọng rằng với sự chỉ đạo sát sao, kết hợp kinh nghiệm ứng phó với khô hạn của các địa phương, nông dân tỉnh ta sẽ vượt qua khó khăn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do khô hạn, ổn định sản xuất và đời sống.