HỒ SƠ - VỤ ÁN:

Lật tẩy đường dây lừa đảo đưa người ra nước ngoài

(NTO) Chỉ vì ham món tiền vài triệu đồng mà các “quan xã” đã bị một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế kết hôn với người nước ngoài để môi giới đưa người sang Hàn Quốc qua con đường thăm thân nhân bằng cách nhập hộ khẩu sai qui định để hợp thức hóa giấy tờ, thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2010, bọn chúng đã thực hiện hàng chục hồ sơ giấy tờ giả đưa người ra nước ngoài trái phép, thu lợi hàng chục triệu đồng. Đầu mối của đường dây phạm pháp này chỉ là một tay chạy xe Honda ôm.

Thủ đoạn của những kẻ hám tiền…

Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã đưa vụ án “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức” và “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” gồm 7 bị cáo Trần Quang M., Lê Thanh D., Nguyễn Thị L., Võ Thị N., Lê Văn Th., Nguyễn Tấn S. và Phan Xuân H. ra xét xử trước công chúng. Trái với tâm trạng vui mừng phấn khởi khi được nhận số tiền môi giới hàng ngàn đô la từ những người ham làm giàu bằng con đường lao động Hàn Quốc của thời gian trước, giờ đây các bị cáo ủ rủ, câm lặng trước những lời luận tội xác đáng của HĐXX.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân muốn xuất cảnh sang các nước bạn để lao động tự do, kiếm tiền tích lũy vốn liếng về quê sinh nhai, các đối tượng trên đã cấu kết với nhau làm giả giấy tờ, tài liệu tổ chức đưa hàng chục người dân sang Hàn Quốc bất hợp pháp để thu lợi vào túi hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý, cầm đầu đường dây này lại là một tay lái xe hon đa ôm Trần Quang M. (SN 1970, trú tại thành phố Hồ Chí Minh), một chữ bẻ đôi cũng chẳng có.

Hàng ngày, ngồi đợi khách tại khu vực gần Lãnh sự quán Hàn Quốc (tại Thành phố Hồ Chí Minh), M. thường xuyên đón khách là các cô gái Việt có ước mơ cuộc sống thiên đường nơi đất khách, chấp nhận kết hôn với các ông chồng Hàn Quốc đáng tuổi cha chú mình. Từ chỗ là tài xế đưa rước các cô gái làm thủ tục giấy tờ kết hôn, M. dần dà thành kẻ chạy việc mỗi khi các cô cần. Lâu dần mọi thủ tục cấp hộ chiếu, visa xuất cảnh sang Hàn Quốc theo chồng của các cô gái Việt, M. nắm vững trong lòng bàn tay. Trong số các cô gái mà M. từng giúp đỡ có Lê Thị Huyền, Lý Kiều Tiên và Võ Thị Bé. Khi các cô gái này đã yên vị nơi đất khách bằng con đường kết hôn, giấc mộng đổi đời của các cô gái chưa thực sự bắt đầu thì họ đã nhanh nhạy nhận ra nhu cầu đi lao động của người Việt Nam sang Hàn Quốc rất lớn nên nảy sinh ý định tìm cách đưa người Việt Nam sang Hàn Quốc lao động bằng con đường bất hợp pháp để kiếm lợi.

Cả ba liên lạc với M. để lên kế hoạch làm ăn. Bùi tai vì những lời mời chào hấp dẫn đầy ma lực của đồng tiền nên M. sẳn sàng chấp thuận. Tuy nhiên, nếu đi bằng con đường kết hôn giả thì sẽ khó ăn được trọn vẹn mà còn dễ bị lộ nên bọn chúng đã vạch ra con đường thăm người thân. Bước đầu, Huyền, Tiên, Bé đã cất công đi tìm hiểu thông tin cá nhân của những người Việt Nam đang định cư hợp pháp tại Hàn Quốc rồi tiến hành gởi thư mời những người thân ở Việt Nam của họ sang nước này du lịch bằng con đường này. Khi thủ tục hồ sơ phía Hàn Quốc đã xong, chúng chuyển về cho Trần Quang M.

Ở Việt Nam cũng không kém phần quan trọng, M. có nhiệm vụ tìm người có nhu cầu sang Hàn Quốc lao động để hợp thức hóa hồ sơ. Hắn câu kết với Nguyễn Thị L., Lê Thanh Đ., Võ Thị N. và Phan Xuân H. để tìm “con mồi”. Căn cứ vào độ tuổi, giới tính ghép tên thành người thân của những người Việt Nam đang định cư hợp pháp tại Hàn Quốc. Phần lớn những người đi xuất khẩu lao động nước ngoài đều ra đi từ những vùng quê nghèo miền Trung.

Để thực hiện hành vi trên, M. hướng dẫn họ ra Ninh Thuận gặp Lê Văn Th. và Nguyễn Tấn S. móc nối với “quan xã” các xã Hòa Sơn, Mỹ Sơn và Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn để nhập hộ khẩu khống cho họ. Đồng thời, ký giấy xác nhận đề nghị Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh Ninh Thuận nhập hộ khẩu và cấp giấy chứng minh nhân dân. Khi tất cả thủ tục hộ khẩu và chứng minh nhân dân đã xong, các đối tượng vào Tp. HCM để M. làm thủ tục xin cấp visa, hộ chiếu, mua vé máy bay xuất cảnh sang Hàn Quốc. Như vậy, đường dây xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc của các đối tượng này khá đơn giản, lại chi phí thấp nên sau khi một số người dân đi trót lọt đã truyền tai nhau về “ông trùm” phù phép Trần Quang M. cho những người thân, bạn bè của mình liên hệ, vô hình chung bọn chúng chẳng cần cất nhiều công đi tìm “mồi” như thuở mới hành nghề.

…và món hời ăn chia

Ông bà ta có câu “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm” để vận vào các tay đạo chích gặp thời, tuy nhiên đem câu nói ấy vận vào những đối tượng này cũng chẳng sai. Những người dự khán phiên tòa đều không khỏi ngạc nhiên trước những câu trả lời trôi chảy, thậm chí nhớ vanh vách từng khoản chung chi của các đối tượng với nhau. Theo đó, những người muốn xuất cảnh trái phép phải trả cho M. và đồng bọn của hắn với mức 9.000 USD đối với nam; 8.500 USD đối với nữ. Với số tiền này, M. cùng đồng bọn thỏa thuận với mức chi phí và ăn chia rất cụ thể. Các đối tượng Huyền, Tiên, Bé được hưởng 4.500 USD/1 hồ sơ được tính là công và chi phí gởi hồ sơ từ Hàn Quốc về. Chi cho S. và Th. làm hộ khẩu, CMND là 1.000 USD/1 hồ sơ Chi phí vé máy bay khứ hồi Việt Nam – Hàn Quốc là 750 USD; chi phí dịch hồ sơ từ tiếng Hàn sang tiếng Anh là 250 USD/1 hồ sơ; Chi phí làm hộ chiếu, visa là 500 USD/1 hộ chiếu. Riêng M. được hưởng từ 1.500 USD đối với hồ sơ nữ và 2000 USD đối với hồ sơ nam. Tính từ giữa năm 2008 đến cuối năm 2010, đã có hàng chục trường hợp chủ yếu là ở Bố Trạch, Quảng Bình xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Trong khi các đối tượng này thu lợi bất chính các khoản tiền được tính bằng USD thì các “quan xã” lại chỉ được bọn chúng chi nhỏ giọt kiểu trả ơn. Nếu so sánh một cách thiển cận về vai trò của các thành phần trong đường dây này thì vai trò của các “quan xã” là khá quan trọng nếu không muốn nói là có phần quyết định sự “thành công” của mỗi phi vụ, thế nhưng các “quan xã” chỉ nhận được số tiền chỉ từ vài trăm ngàn đồng đến một triệu đồng là hết mốc. Tuy nhiên, vì hám lợi trước mắt mà tay các “quan xã” đã nhúng chàm.

Với những việc làm trái pháp luật đó, Trần Quang M. nhận bản án 6 năm tù giam và tịch thu sung công quỹ 499 triệu đồng; Lê Thanh Đ. 3 năm tù giam và tịch thu 20 triệu đồng; Nguyễn Thị L. 2 năm 6 tháng tù và tịch thu 25 triệu đồng; Các đối tượng còn lại đều được hưởng án treo và tịch thu công quỹ số tiền thu lợi bất chính. Riêng các “quan xã”, tuy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đây cũng là một bài học đắt giá để các “quan xã” ghi nhớ suốt đời. Và đây cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những ai nuôi hy vọng đổi đời bằng việc ý tưởng ra nước ngoài lao động kiếm đô la. Mộng giàu sang đâu chưa thấy chỉ thấy ôm nợ đầy người.