Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

Sáng 29-12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp”.

Các đồng chí: Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo và Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo cải cách tư Trung ương nhấn mạnh: Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Qua 9 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp (CCTP) và hoạt động tư pháp (HĐTP) trong thời gian qua về cơ bản đã được thực hiện đúng định hướng, góp HĐTP. Đồng thời, giúp cho các cấp lãnh đạo trong việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong HĐTP, hạn chế oan sai.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương Lê Thị Thu Ba: Công tác thông
tin, tuyên truyền tốt sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức
đảng của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương CCTP. (Ảnh: TH).

Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược CCTP theo tinh thần Kết luận số 92 của Bộ Chính trị ngày 12/3/2014, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 38 ngày 15/8/2014 về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ CCTP và HĐTP. Tuy Kế hoạch mới được ban hành hơn 4 tháng nhưng hoạt động thông tin, tuyên truyền về CCTP và HĐTP của các bộ, ngành, các cơ quan báo chí đã có bước khởi sắc. Nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc với trách nhiệm cao, cử phóng viên chuyên trách cộng tác với Văn phòng Ban Chỉ đạo để có những chương trình phát thanh, truyền hình, tin, bài tuyên truyền về chủ đề CCTP và HĐTP. Trong đó, phải kể đến Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực, khẩn trương mở chuyên mục “Đẩy mạnh CCTP và hoạt động tư pháp”.

Nhấn mạnh CCTP và HĐTP là lĩnh vực rất đặc thù, để cho công tác này đem lại hiệu quả tốt, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân, cán bộ công chức, toàn xã hội về chủ trương, đường lối CCTP của Đảng và kết quả HĐTP theo đường lối đổi mới của Đảng, đồng chí Lê Thị Thu Ba đề nghị Hội thảo tập trung bàn về yêu cầu của công tác thông tin tuyên truyền, về tính đặc thù của HĐTP; giải pháp, cách thức, nội dung thông tin tuyên truyền về CCTP, trong đó tập trung vào những vấn đề đã được Bộ Chính trị kết luận, những vấn đề đang được thảo luận…

"Công tác thông tin, tuyên truyền tốt sẽ góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng của cán bộ, đảng viên, tăng cường sự hiểu biết của tòan xã hội, tạo sự đồng thuận trong thục hiện chủ trương CCTP", đồng chí Lê Thị Thu Ba khẳng định.

Báo cáo đề dẫn của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương nêu bật: Sau khi Chiến lược CCTP được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về CCTP đã có bước chuyển biến rõ nét, góp phần thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian qua. Ngoài việc thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền, giáo dục, báo chí còn thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; đã có những phóng sự, điều tra, đưa tin góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ, việc sai phạm, thiếu sót trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tư pháp và các chủ trương CCTP chưa được thực hiện thường xuyên, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản; hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, thiếu linh hoạt; người dân chưa hiểu rõ được kết quả CCTP đã mang lại lợi ích gì cho họ và xã hội...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những những kết quả, đồng thời phân tích, làm rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền về CCTP và HĐTP trong thời gian qua.Trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị các giải pháp thiết thực tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong tình hình mới.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Thắng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn tổng thể, các cơ quan báo chí còn thiếu những tin, bài biểu dương, cổ vũ những điển hình tiên tiến, người tốt trong việc hoạt động CCTP. Cùng với việc chạy đua” tìm kiếm thông tin giật gân", có không ít phóng viên viết bài đã làm thay công việc của tòa án, như vô tư “kết tội”.

Mặt khác, đây là công việc không hề đơn giản, thậm chí đôi khi rất nguy hiểm khi phóng viên đi xác minh vụ việc, hoặc phản ánh các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, đòi hỏi thời gian, công sức và cả các chi phí khác. Song, kinh phí cho công tác tuyên truyền về CCTP còn hạn chế. Cùng với đó, cơ chế bảo vệ nhà báo tác nghiệp trong lĩnh vực phòng chống vi phạm pháp luật; chống tham nhũng còn chưa chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, phóng viên rất khó khăn trong việc yêu cầu các cơ quan tư pháp cung cấp thông tin, đặc biệt là những vụ việc mang tính thời sự, được dư luận quan tâm. Khi tìm hiểu, xác minh vụ việc, báo chí thường nhận được câu trả lời là “thông tin nhạy cảm, bí mật”, hoặc bị các cơ quan này né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trả lời báo chí.

Để báo chí phát huy được hiệu quả trong việc tuyên truyền CCTP và HĐTP, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng kiến nghị, trước hết, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan báo chí.

“Trước một sự kiện pháp lý quan trọng, hoặc một vụ án oan sai ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước được báo chí đăng tải thì Ban Chỉ đạo CCTP cần “lên tiếng”, cần có cơ chế đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phải trả lời để báo chí, công luận được biết (trừ các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia đang trong quá trình điều tra)”, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Thắng đề xuất. Mặt khác, cần luật hóa chức năng giám sát, phản biện của báo chí, trong đó có giám sát phản biện các vấn đề của CCTP, HĐTP.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc kênh truyền hình Quốc hội Đoàn Quang cũng cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan truy tố, điều tra không nên “né tránh” cung cấp thông tin cho báo chí song cũng không được áp đặt trong việc đưa tin…

Ở một khía cạnh khác, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến đề xuất: Ban Chỉ đạo nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để các cơ quan báo chí, tuyên truyền có thể tổ chức được các hình thức tuyên truyền về CCTP một cách đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng bạn đọc.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại Hội nghị.
(Ảnh: TH).

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Trong nhiệm vụ tuyên truyền CCTP và HĐTP, các cơ quan báo chí, xuất bản đóng vai trò là lực lượng nòng cốt. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này của đội ngũ báo cáo viên, phóng viên vẫn chưa thực sự tạo được bề sâu cần thiết từ đó tạo được bề rộng và sức lan tỏa, thậm chí thời gian qua đã xảy ra một số sai sót do thiếu thông tin chính thống.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, đây là lĩnh vực khó, bởi vậy ngoài trình độ, năng lực, kiến thức pháp luật phải có cách thức tuyên truyền đúng. Nhấn mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương là rất lớn trong công tác tuyên truyền về CCTP và HĐTP, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ kiến nghị, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tăng cường phối hợp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp... bảo đảm cung cấp công tác thông tin chính xác, nhanh nhạy, chủ động hơn cho các cơ quan báo chí. Tổ chức các lớp tập huấn cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên; tiếp tục trang bị tủ sách pháp luật; thực hiện tốt chế độ khen thưởng, kỷ luật trong công tác thông tin tuyên truyền; thực hiện tốt hơn chế độ chủ quản; tổ chức một số hội thảo, tọa đàm chuyên sâu trong lĩnh vực này từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Về phía các cơ quan báo chí, cần đưa tin kịp thời, phản ánh chính xác đúng đường lối, định hướng của Đảng, Nhà nước, tránh đưa tin theo kiểu “giật gân, câu khách”. Đồng thời, quan tâm tổ chức tuyên truyền, có nhiều bài viết bình luận, phóng sự, phân tích sâu tạo được điểm “nhấn” qua đó tạo được hiệu quả trong công tác tuyên truyền CCTP và HĐTP...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam