Làm việc theo nhóm khi học tập ở nước ngoài: Cần làm quen để thích ứng tốt

(NTO) Cùng với hình thức làm việc trên cơ sở nỗ lực của một cá nhân, làm việc theo nhóm cũng không phải là điều gì đó quá xa lạ với học sinh, sinh viên Việt Nam ta.

Tuy nhiên, một khi đã xách hành lý lên đường hòa nhập với bạn bè các nước trong môi trường giáo dục quốc tế, đặc biệt là ở các nước phương Tây, cần phải nhận thức rằng, làm việc theo nhóm là một hình thức phổ biến, không thể thiếu trong chương trình học tập của nhiều trường đại học trên thế giới.

Sinh viên Việt Nam học tập theo nhóm (Teamwork) dưới sự hướng dẫn của giáo viên
Trường Đại học Canberra, Australia.

Làm việc theo nhóm (Teamwork hoặc Working Group) là hình thức tổ chức làm việc, nghiên cứu, báo cáo về một đề tài nào đó theo nhóm hợp tác (từ hai người trở lên). Đây cũng là một phương pháp phổ biến trong học tập, nghiên cứu, giúp phát huy được năng lực, nỗ lực của mỗi cá nhân, đóng góp chung vào thành quả của cả nhóm. Làm việc theo nhóm không đòi hỏi yêu cầu cao về năng lực của mỗi cá nhân mà điều quan trọng nhất là sự phân công nhiệm vụ giữa các thành viên, sự nỗ lực của mỗi người và tinh thần hợp tác vì mục tiêu chung. Trong môi trường đại học ở các nước phương Tây, teamwork thường được dùng để đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong các môn học đòi hỏi sự kết hợp trong trình bày, phân tích, đánh giá một vấn đề nào đó với nhận định chung của một nhóm, không phải của riêng cá nhân. Do vậy, thường trong một teamwork, các thành viên của nhóm đều được phân công tìm hiểu, nghiên cứu về một phần của vấn đề, sau đó các phần việc sẽ được cả nhóm kết hợp lại, cùng thống nhất các vấn đề nhóm sẽ trình bày dưới hình thức thuyết trình (presentation) trước lớp; kết quả nghiên cứu (điểm trình bày) sẽ là của cả nhóm, mỗi người trong nhóm đều nhận được một số điểm như nhau, không phân biệt trình độ, năng lực của riêng mỗi thành viên, nói cách khác sẽ không ai làm việc quá nhiều, cũng như sẽ không ai “ngồi chơi xơi nước” trong một teamwork đúng nghĩa.

Lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada… không lạ gì hình thức Teamwork. Tuy nhiên, cái khó là để thích ứng với cách làm việc, học tập theo phương pháp này lại không hề dễ dàng. Thứ nhất, người Việt Nam ta có truyền thống giỏi làm việc theo cá nhân hơn là làm việc theo nhóm (tập thể). Khi bắt đầu công việc, mỗi người trong teamwork đều nhận được một phần việc với sự phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, không trùng lắp và phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ đã được phân công, do vậy, đòi hỏi mỗi người đều phải chuyên tâm vào phần việc của mình, kết hợp với sự thường xuyên trao đổi, thảo luận giữa các thành viên để đảm bảo công việc của cả nhóm đi theo đúng mục tiêu đã định. Sự phân định quá rạch ròi này có phần gây bất ngờ cho những người quen làm việc theo kiểu “độc lập tác chiến” hoặc dựa chủ yếu vào khả năng của người giỏi nhất, người lãnh đạo. Có thể trong quá trình phân công, phân nhiệm trong teamwork sẽ có tranh cãi về việc ai sẽ chịu trách nhiệm phần việc nào, điều này có vẻ như trái với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt” trong văn hóa của người Việt ta; tuy nhiên sau khi đã sắp xếp xong nhiệm vụ với sự đồng thuận của tất cả thành viên trong nhóm, công việc bắt đầu được tiến hành với sự thuận lợi như đã được lập trình sẵn, cũng nhờ vậy mà khi kết quả đạt được không như mong muốn, sẽ không khó để xác định được lỗi từ khâu nào, thuộc về ai trong nhóm để rút kinh nghiệm và khắc phục.

Thứ hai, một trong những yêu cầu quan trọng của Teamwork là mỗi thành viên trong nhóm đều phải đảm bảo rằng họ có khả năng thuyết trình tốt trước lớp (bài thuyết trình của cả nhóm sẽ có sự tham gia thuyết trình của mỗi thành viên), do vậy, không ai là người “đứng ngoài cuộc chơi” trong một bài thuyết trình của Teamwork. Điều này liên quan chủ yếu ở khả năng sử dụng ngoại ngữ, một trong những điểm hạn chế của sinh viên Việt Nam khi du học ở nước ngoài. Nhiều bạn sinh viên rất lo lắng khi phải chọn môn học có thuyết trình theo nhóm, dẫn đến việc học thuộc lòng để thuyết trình cho xong phần việc của mình, điều có thể sẽ dễ được chấp nhận hơn đối với ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng thật khó nhận được cái gật đầu của giáo viên nước ngoài đối với một ngoại ngữ mang tính quốc tế như tiếng Anh.

Những thách thức đối với các bạn học sinh, sinh viên trong quá trình học tập ở nước ngoài là không nhỏ. Tuy nhiên, một khi đã được cảnh báo trước, sẽ không quá khó để vượt qua. Trước khi lên đường du học, các bạn sinh viên phải chắc chắn rằng đã được biết và làm quen với hình thức làm việc theo nhóm đang được sử dụng phổ biến trong chương trình học tập ở các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời phải đảm bảo khả năng sử dụng ngoại ngữ ở một mức độ “chấp nhận được”. Từ đó các bạn sẽ có được sự chủ động trong quá trình học tập, nghiên cứu, góp phần đạt được mục tiêu đề ra khi học tập ở các nước tiên tiến trên thế giới.