Gặp lại “mãnh hổ” cao nguyên

(NTO) Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi khi nhắc tới Minh Hớn là bọn Mỹ-Ngụy ở Lâm Đồng vừa căm tức vừa nể sợ. Chỉ huy nhiều trận đánh táo bạo, hiệu quả; tính cách dũng cảm, ngang tàng khiến ông được ví như “mãnh hổ” của núi rừng Lâm Viên.

Người được kẻ thù ra giá 20 ngàn đô la

Thiếu tướng Bùi Minh Hớn sinh năm 1934 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa). Bố mẹ sinh được 4 người con thì 3 người đều mất khi còn nhỏ do bệnh tật, chỉ mình ông sống sót. Năm lên 3 tuổi mẹ mất, 7 năm sau bố cũng qua đời, ông trở thành trẻ mồ côi, phải về ở với bà ngoại.

Vợ chồng Thiếu tướng Bùi Minh Hớn ôn lại kỷ niệm thời tuổi trẻ.

Năm 1951, Đại đội 143 của tỉnh Khánh Hòa về đóng quân cạnh nhà. Đơn vị do đồng chí Nguyễn Trọng Xuyên (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm Đại đội trưởng. Hằng ngày, nhìn các chú bộ đội tập đội ngũ, điều lệnh, bắn súng, ném lựu đạn, Minh Hớn rất thích, bèn trốn nhà đi bộ đội. Sau một thời gian làm liên lạc và tham gia một số trận đánh, năm 1955, Minh Hớn tập kết ra miền Bắc, học văn hóa rồi học sĩ quan tại trường Sĩ quan Sơn Tây. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp sĩ quan, ông vào Nam hoạt động trên chiến trường tỉnh Tuyên Đức (nay là tỉnh lâm Đồng), giữ các chức vụ: Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng.

Trong cuộc đời binh nghiệp, Thiếu tướng Bùi Minh Hớn đã trực tiếp tham gia và chỉ huy hằng trăm trận đánh, tiêu biểu như: Trận đánh vào sân bay Cam Ly vào đêm 9-3-1966; tấn công vào thị xã Đà Lạt trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968, đánh vào Chi khu Đức Trọng ngày 5-8-1969, tấn công Trường Chiến tranh chính trị vào đêm 31-3-1970…Trong đó, cuộc tấn công vào Thị xã Đà Lạt dịp Tết Mậu Thân 1968 để lại cho ông nhiều ấn tượng hơn cả, Thiếu tướng Bùi Minh Hớn nhớ lại:

- Chiều 31-1-1968, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 810 chỉ huy đơn vị đảm nhiệm tấn công vào thị xã Đà Lạt từ hướng Bắc. 22 giờ cùng ngày, đơn vị tới đường Hai Bà Trưng gặp bốt địch chốt giữ ở đó. Đại đội nhanh chóng triển khai đội hình, bí mật áp sát rồi bất ngờ nổ súng, 10 tên địch bị tiêu diệt, 1 tên bị bắt làm tù binh dẫn đường. Đơn vị nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đánh chiếm dinh Thị trưởng Đà Lạt, Lữ quán Thanh niên và Trung tâm Hòa Bình. Sau khi bị đánh bật khỏi mục tiêu, địch nhanh chóng triển khai đội hình và gọi hỏa lực đáp trả, cuộc chiến đấu diễn ra giằng co, quyết liệt. Đến 8 giờ sáng, ngày 2-2-1968, địch dùng lực lượng lớn cùng xe tăng và xe bọc thép hỗ trợ mở nhiều đợt đánh phá vào khu Hòa Bình, đơn vị kiên cường đánh trả, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên, bắn cháy 2 xe bọc thép. Đến 10 giờ, đơn vị rút ra phía tây thị xã, trụ lại khu vực Đa Cát xây dựng trận địa đánh địch. Từ ngày 3 đến 12-2-1968, địch liên tiếp sử dụng bộ binh cùng các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp và máy bay tổ chức nhiều đợt tiến công. Dù phải chịu nhiều tổn thất nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh-Không có lệnh không rời trận địa”, chúng tôi đã đẩy lùi các đợt tiến công và gây cho địch nhiều tổn thất to lớn. Đêm 11-2-1968, được lệnh của cấp trên, Đại đội 810 mới rút về căn cứ.

12 ngày đêm tiến công và bám trụ đánh địch, dù một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương nhưng toàn đơn vị không ai tỏ ra nao núng, kiên quyết đánh trả nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa. “Trong cuộc tấn công và nổi dậy tại các đô thị ở miền Nam (năm 1968), Đà Lạt là đô thị thứ 2 được bộ đội chiếm giữ lâu nhất, chỉ sau TP Huế”. – Ông tự hào khẳng định.

Không chỉ là người chỉ huy táo bạo, dũng cảm, Bùi Minh Hớn còn nổi tiếng bởi sự ngang tàng, gan dạ. Ngày ấy, bọn Mỹ-Ngụy thường xuyên tổ chức các đợt hành quân “tìm diệt”. Mỗi đợt như vậy, nếu không có chỉ thị của cấp trên, các đơn vị đều “né” địch để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, với đơn vị của Minh Hớn, hễ gặp địch là ông tổ chức đánh trả. “Trong các cuộc hành quân thường thì bọn lính cũng không muốn đụng độ với ta. Riêng tôi cứ gặp chúng là đánh, vì vậy chúng rất ngán. Có lần đơn vị đang đóng quân trên đỉnh đồi thì phát hiện tụi lính hành quân dưới chân đồi, tôi bèn thách chúng lên đánh nhau. Nghe vậy, tụi nó chỉ dám chửi và bắn vu vơ vài phát rồi bỏ đi”- Ông hào hứng cho biết.

Ngày ấy, Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức là Trung tá Nguyễn Hợp Đoàn. Do quân của hắn nhiều lần bị đơn vị của Minh Hớn đánh cho tan tác, lại bị Tư lệnh Quân đoàn 2 của ngụy là Lê Văn Phú phê bình, dọa cách chức liên tục nên hắn rất cay cú. Nguyễn Hợp Đoàn tuyên bố trao thưởng 20.000 USD cho kẻ nào lấy được đầu Minh Hớn !

Lên đường trong ngày cưới

Đầu năm 1967, Đại đội 810 chuyển về hoạt động trên đường 21, trong khi chuẩn bị đánh bót Thanh Bình nằm cạnh tuyến đường này thì đơn vị bị máy bay Mỹ bắn rốc-két. Đại đội trưởng Bùi Minh Hớn bị thương nhẹ ở vai, phải vào bệnh xá tỉnh đội điều trị. Tại đây, anh được nữ y tá Nguyễn Thị Mai trực tiếp chăm sóc. Vẻ đẹp dịu dàng và sự ân ần của cô gái nguyên là nữ sinh Đà Lạt đã khiến trái tim anh sĩ quan giải phóng rung động. Trước đó, dù chưa biết mặt nhưng Nguyễn Thị Mai cũng nhiều lần nghe danh Đại đội trưởng Bùi Minh Hớn nổi tiếng gan dạ, dũng cảm. Bởi vậy, khi gặp anh, cô luôn dành cho bệnh nhân này tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Hơn một tháng sau, khi vết thương của người đại đội trưởng được chữa lành cũng là lúc tình yêu của họ bắt đầu chớm nở.

Sau 2 năm yêu nhau, hai người quyết định xin phép đơn vị làm lễ cưới. Tuy nhiên, do điều kiện công tác của cả hai đều rất bận rộn nên đơn vị chỉ có thể sắp xếp cho họ tổ chức vào chiều 30 Tết Mậu Thân (năm 1968).

Chuẩn bị cho đám cưới, anh em đơn vị giúp dựng một phòng cưới bằng lá và vải dù. Cô dâu Nguyễn Thị Mai nhờ người quen ở Đà Lạt mua gửi cho ít bánh kẹo, thuốc lá để đồng đội tới chia vui. Khi cả hai đang hồi hộp chờ tới giây phút trọng đại của đời mình thì trưa hôm ấy, Đại đội trưởng Bùi Minh Hớn phải lên gặp cấp trên để nhận nhiệm vụ gấp. “Khoảng 5 giờ chiều anh ấy trở về, ánh mắt đầy đăm chiêu, anh nắm tay tôi bảo: Do yếu tố bí mật nên tối nay anh phải ra mặt trận, sắp tới sẽ đánh lớn. Vậy là lễ cưới của chúng mình không thể thực hiện. Đừng buồn, hãy chờ anh! 4 tháng sau, tôi và anh mới gặp nhau ngoài mặt trận. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi được sống giây phút vợ chồng”- Bà Nguyễn Thị Mai bồi hồi nhớ lại.

Sau năm 1975, ông tiếp tục hoạt động trên chiến trường Cam-Pu-Chia, năm 1989 về nước giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Thuận, về hưu năm 2001 với quân hàm Thiếu tướng. Hiện nay ông bà sống cùng con cháu trong căn nhà trên đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng). Trải qua chiến tranh khốc liệt và những khó khăn của cuộc sống thời bình, hai ông bà vẫn luôn mặn nồng, thắm thiết. “Lý tưởng, niềm tin và sự cảm thông chính là yếu tố giúp tình yêu của chúng tôi luôn bền chặt”- Bà Nguyễn Thị Mai khẳng định.