Lời xin lỗi "muộn" từ những lá thư viết ở trại giam

(NTO) “Đây là cơ hội cho con được bày tỏ nỗi niềm, khát vọng hoàn lương của con sau những ngày tháng ăn chơi đầy tội lỗi, quãng thời gian cải tạo tại trại giam đã cho con biết và hiểu được nhiều điều hay, nói đúng hơn là con đã nhận ra được rằng cuộc sống đích thực không có chỗ tồn tại cho kẻ lười lười nhác, thích hưởng thụ mà chúng ta phải lao động…”.

Đó là suy nghĩ của phạm nhân gửi đến gia đình người thân, người bị hại qua những lá thư “gửi lời xin lỗi” mà họ viết từ Trại giam Sông Cái, với mong muốn giải tỏa được phần nào sự ám ảnh về tội lỗi của mình gây ra cũng như xoa dịu bớt nỗi đau cho những người thân và người bị hại.

 

Buổi giao lưu gặp mặt giữa phạm nhân viết thư “gửi lời xin lỗi” và người nhận thư.

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có dịp đến Trại giam Sông Cái, thuộc Tổng cục VIII – Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) để tham dự một buổi sơ kết mà đơn vị tổ chức. Sẽ không có nhiều điều đáng nói và chia sẽ nếu đây chỉ là một buổi sơ kết về công tác hằng năm của đơn vị hay hoạt động nào đó. Đây là buổi sơ kết viết thư “Gửi lời xin lỗi” của Tổng cục VIII phát động dành cho phạm nhân. Những người đã mắc sai lầm, gây ra tội lỗi bị xã hội lên án, làm người thân thất vọng đang phải chịu án phạt tù tại Trại giam Sông Cái, để họ có dịp nói lên những suy nghĩ của mình trong quá trình cải tạo.

Từng là sinh viên một trường Đại học có tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ vì phút nông nổi, theo lời rủ rê của bạn bè, phạm nhân Nguyễn Quý Quỳnh (Khánh Hòa) đã đi vào con đường ma túy với tội danh tàn trữ trái phép. Anh bị phạt tù 2 năm, để lại vợ dại, con thơ cho mẹ già chăm sóc. Trong quá trình chấp hành án phạt, phạm nhân Quỳnh đã nhận ra lỗi lầm, người anh thấy có lỗi nhất chính là mẹ già của mình và ngay khi có cơ hội được trải lòng anh đã viết thư gửi lời xin lỗi gửi đến mẹ là bà Vũ Thị Khuya. Đầu thư anh viết: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Con biết mẹ đã hy sinh nhiều lắm, từ lúc chị em con sinh ra, mẹ cũng như rất nhiều bà mẹ Việt Nam khác luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình mình. Vậy mà hạnh phúc không đến với mẹ trọn vẹn, tất cả là do con…”. Được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, đã từng vấp ngã khi còn là sinh viên và được người mẹ già bao dung, tha thứ, che chở để đứng lên, nhưng phạm nhân Quỳnh lại tiếp tục vấp ngã vào “cái chết trắng” sau khi đã lập gia đình và có con nhỏ. Để rồi một lần nữa anh lại làm người mẹ già khóc hết nước mắt. Trong thư anh viết có đoạn: “…Thật xấu hổ khi con gần bốn mươi tuổi đầu rồi mà vẫn làm khổ mẹ già, vợ dại, con thơ phải vất vả hàng trăm cây số lên thăm nuôi con hàng tháng…Con xin mẹ tha thứ mọi lỗi lầm”. Trên sân khấu của hội trường Nhà học tập và lao động Phân trại 2, đối diện với người con trai của mình, bà Vũ Thị Khuya không giấu được xúc động khi nhận được lá thư xin lỗi của con trai, bà mong rằng qua lần này Quỳnh cũng như bao phạm nhận khác nhận ra lỗi lầm của mình để phấn đấu cải tạo trở thành người có ích cho xã hội và gia đình sau này.

Ngoài những lá thư gửi đến người thân, thì nhiều phạm nhân còn gửi đến gia đình, người thân của những người bị hại với mong muốn nhận được sự khoan dung tha thứ của mọi người sau những tội lỗi mà họ gây ra.

“Chắc có lẽ chị rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư của em, lá thư mang đầy lời nói thành khẩn, ăn năn hối hận tận đáy lòng của em, chị biết không, đã bao lần em định viết thư cho chị để “gửi lời xin lỗi” nhưng em không dám. Cho đến hôm nay, em đã lấy hết can đảm để viết thư gửi cho chị…Em đã làm cho chị phải rơi nhiều nước mắt, mất mát đau thương, nhưng giờ đây em không biết phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm mình gây ra. Ký ức đó cứ chập chờn mãi trong tâm trí em, em không thể nào yên khi lương tâm cứ cắn rứt và đau nhói đến bây giờ, nếu như ngay lúc này cho em một điều ước, em sẽ ước mong chị tha thứ cho em…”. Đó là những lời ăn năn, hối cải xin nhận được sự khoan dung của phạm nhân Phan Văn Hoàng, với tội danh giết người, án phạt 6 năm tù, gửi cho chị Lâm Thị Ánh Nguyệt (Tp Phan rang – Tháp Chàm) sau khi gây ra cái chết của chồng chị. Chỉ vì nông nổi, không kiềm chế được bản thân tại một buổi tiệc mà phạm nhân Hoàng đã cướp đi sinh mạng của một người, gây ra nỗi đau người vợ mất chồng, người con mất đi người cha thân yêu, một nỗi đau mà khó có gì bù đắp được. Thế nhưng, những lời viết tận đáy lòng mình của phạm nhân Hoàng trong thư, ít nhiều cũng đã lay động được người thân nạn nhân để họ phần nào được an ủi và tha thứ cho tội lỗi của anh. Trao đổi với chúng tôi tại buổi giao lưu, gặp mặt trực tiếp với người viết thư. Chị Lâm Thị Ánh Nguyệt, cho biết rất bất ngờ khi nhận được lá thư của phạm nhân Hoàng, người đã cướp đi sinh mạng của chồng mình. “giờ đây tôi có hận hay không chấp nhận lời xin lỗi thì chồng tôi cũng không thể sống lại được. Sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình anh Hoàng cũng thường xuyên quan tâm, động viên tôi trong những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, trong bản thân tôi cũng đã phần nào tha thứ cho anh Hoàng, chỉ mong anh Hoàng biết ăn năn hối cải, cải tạo tốt để chuộc lại lỗi lầm” chị Nguyệt tâm sự.

Theo Thiếu tá Bùi Ngọc Dũng, Phó giám thị Trại giam Sông Cái cho biết, trong đợt phát động phong trào viết thư “gửi lời xin lỗi” vừa qua, đơn vị đã nhận được 1.212 thư viết của phạm nhân. Trong đó, hầu hết đều là thư viết gửi cho gia đình và người thân phạm nhân. Chỉ có khoảng 80 thư gửi cho người bị hại và thân nhân người bị hại. Mặc dù số thư hồi âm lại chưa nhiều nhưng phong trào viết thư “gửi lời xin lỗi” được xem là một hình thức, một phương pháp giáo dục mới có tính nhân văn sâu sắc. Thông qua những bức thư, không chỉ giúp phạm nhân bình tâm, suy nghĩ về những lỗi lầm của mình mà còn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác quản giáo, giáo dục tại các đơn vị trại giam nắm bắt được tâm lý, tư tưởng của phạm nhân, từ đó có các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, giúp họ hoàn thiện nhân cách và hướng thiện sau khi trở lại với xã hội.

Hơn 1.200 lá thư, mỗi một lá thư mang một nội dung, hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Nhưng hầu hết các phạm nhân đã rất trăn trở, suy tư chất chứa đầy cảm xúc suy nghĩ với lời xin lỗi của mình gửi đến những người nhận và mong họ tha thứ. Mỗi chia sẻ của phạm nhân trong thư không chỉ là những lời xin lỗi mà đó còn là những lời hứa, lòng quyết tâm bắt đầu lại một cuộc sống mới ý nghĩa hơn cho gia đình, xã hội khi họ trở về. Và những lá thứ mà phạm nhân viết sẽ không bao giờ là muộn màng với họ nếu họ trở về nhận được sự khoan dung của xã hội, người thân để tái hòa nhập.