Vướng mắc qua thực hiện Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh

(NTO) Theo số liệu thống kê trong năm 2013, toàn tỉnh có trên 12.520 bà mẹ mang thai và 9.580 trẻ sơ sinh. Trong đó, có 125 bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh (SLTS) và 1.370 trẻ sơ sinh được khám sàng lọc sơ sinh (SLSS). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ mới thực hiện lấy máu gót chân cho 107 trẻ sơ sinh và khám SLTS cho 42 bà mẹ đang mang thai. Tỷ lệ thực hiện sàng lọc còn thấp so với những năm trước.

Lý giải điều này, Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ, cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, kinh phí dành cho công tác dân số, các đề án nâng cao chất lượng dân số đều cắt giảm. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, đối tượng thụ hưởng hỗ trợ chi phí SLTS và SLSS cũng giới hạn là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân tại các xã thuộc Đề án 52.

Cán bộ DS-KHHGĐ tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia Đề án.

Chính điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai, nhân rộng Đề án”. Được biết, mỗi ca thực hiện SLTS và SLSS có chi phí 142.000 đồng, trong khi Ngân sách Trung ương phân bổ là 60.000 đồng/ca SLTS và 40.000 đồng/ca SLSS, thấp hơn nhu cầu thực tế của địa phương. Ngoài ra, kinh phí mua găng tay, vật tư tiêu hao để thực hiện lấy mẩu máu chưa được hỗ trợ; định mức tiền công lấy mẩu còn thấp so với thực tế (chỉ có 5.000 đồng/lần/mẩu). Do nguồn kinh phí phân bổ thực hiện các hoạt động của Đề án còn hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng triển khai. Mặt khác, người dân chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc SLTS và SLSS nên chưa tích cực hợp tác. Để nâng cao nhận thức người dân, hằng năm, Chi cục Dân số KHHGĐ luôn chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề về sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thu hút hơn 800 bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Tuy nhiên để việc thực hiện Đề án SLTS và SLSS trở thành ý thức, chủ động thực hiện đối với người dân, đặc biệt là người dân vùng miền núi khó khăn thì cần nhiều nỗ lực hơn nữa đối với đội ngũ làm công tác dân số và sự tham gia của người dân.

Để Đề án thực sự có hiệu quả cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp ngành, nâng cao hiểu biết người dân. Đặc biệt, tăng cường công tác xã hội hóa, nhằm hạn chế di chứng, bệnh tật ở trẻ.