Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020

LTS: Ngày 15-10-2014, tại Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn thỏa thuận hợp tác.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2005-2014, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân hai địa phương thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2015-2020 như sau:

I. NGUYÊN TẮC HỢP TÁC:

1. Hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội là nhiệm vụ chiến lược lâu dài nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương, đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập.

2. Hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi và trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp;

3. Lãnh đạo của hai địa phương đưa ra những định hướng, nội dung lớn, có tác động đến kinh tế-xã hội của hai địa phương. Các doanh nghiệp, Sở, ngành xác định những nội dung cụ thể trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội và hai bên cùng có lợi.

II. CÁC NỘI DUNG VÀ LĨNH VỰC HỢP TÁC:

1. Lĩnh vực thu hút đầu tư

- Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận phối hợp cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư - kinh doanh, quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến, quảng bá kêu gọi các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào Ninh Thuận tập trung vào 6 ngành kinh tế trụ cột gồm: (1) năng lượng; (2) du lịch; (3) nông, lâm, thủy sản; (4) công nghiệp; (5) giáo dục và đào tạo và (6) xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Ninh Thuận tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, có cơ chế, chính sách linh hoạt trong việc thu hút đầu tư vào Tỉnh.

Trước mắt, hai địa phương tạo điều kiện về đất đai, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để triển khai thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu chế biến thức ăn cho bò tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận do Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa Việt Nam (VINAMILK) làm chủ đầu tư; dự án phát triển vùng nguyên liệu bông gắn với phát triển ngành công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh của Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam-VINATEXMAT (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), dự án điện gió Công Hải 1 tại huyện Thuận Bắc (do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nguồn vốn khoa học công nghệ), hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 dự án Khách sạn Sài Gòn-Ninh Chữ của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, mở rộng hệ thống siêu thị Co-opmart tại Ninh Thuận...

- Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư dưới các hình thức BT, BOT, PPP...; xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến và quản lý đầu tư giữa hai địa phương; định kỳ gặp gỡ, trao đổi các kinh nghiệm trong thu hút và cải tiến các thủ tục đầu tư giữa hai địa phương.

- Học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương; học tập, trao đổi kinh nghiệm trong thu hút vốn đầu tư dưới các hình thức BT, BOT, PPP,…

- Các đơn vị và doanh nghiệp của hai địa phương chủ động, kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng những khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân hai địa phương xem xét và tháo gỡ trên tinh thần hợp tác và chia sẻ.

Đơn vị thực hiện:

Thành phố Hồ Chí Minh: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Khoa học Công nghệ hai địa phương, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận; các Tổng Công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành phố cùng các đơn vị liên quan.

2. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại

- Phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã đăng ký trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại để sớm đưa vào khai thác sử dụng và mang lại hiệu quả; tập trung kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Thành phố đầu tư vào các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam và các cụm công nghiệp của tỉnh Ninh Thuận; đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối nhằm đẩy mạnh hoạt động mua bán hàng hóa của hai địa phương.

- Hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp, Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2015-2020; trao đổi kinh nghiệm về thực hiện công tác khuyến công và hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, chính sách đầu tư và phát triển các khu, cụm công nghiệp.

- Hai địa phương phối hợp vận động các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tham gia chương trình bình ổn thị trường tại một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; tỉnh Ninh Thuận xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp Thành phố, nhất là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến trên địa bàn, đa dạng hóa nguồn hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm của hai địa phương.

- Hai địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại như: tổ chức tham gia hội chợ thương mại, tổ chức chương trình khuyến mại; tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại và đầu tư.

- Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình thị trường; tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, cung cấp thông tin về đối tượng vận chuyển hàng lậu trên địa bàn. Thực hiện việc phối hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn để kiểm tra, ngăn chặn đạt hiệu quả.

Đơn vị thực hiện: Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp hai địa phương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh, các Tổng Công ty Công nghiệp, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Văn phòng Phát triển Kinh tế Ninh Thuận cùng các đơn vị liên quan.

3. Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

- Hai bên hỗ trợ tạo điều kiện tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch, các điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, các trang thông tin điện tử du lịch, các trung tâm thông tin du lịch địa phương để thu hút khách du lịch; Thông tin về các chính sách ưu đãi, các dự án kêu gọi đầu tư về lĩnh vực du lịch giữa các địa phương đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; phối hợp kêu gọi các nhà đầu tư thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào các dự án trọng điểm du lịch của tỉnh như: Khu du lịch Vĩnh Hy, khu đô thị du lịch Đầm Nại, Núi Chúa, khu du lịch Vườn quốc gia Phước Bình …

- Hợp tác, hỗ trợ và thường xuyên cung cấp thông tin về các điểm du lịch, chương trình tour và sản phẩm du lịch mới của hai địa phương; xây dựng các tour du lịch giúp Ninh Thuận thu hút khách du lịch nằm trong chuỗi dịch vụ du lịch thành phố Hồ Chí Minh – Ninh Thuận, gắn với liên kết phát triển du lịch theo chương trình hợp tác du lịch vùng giữa Ninh Thuận với các tỉnh miền Trung và Tây nguyên; hợp tác phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo điều kiện gắn kết hệ thống kinh doanh lữ hành, lưu trú và vận chuyển khách của hai địa phương.

- Hợp tác, phối hợp tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức các Hội thảo, Hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch, sự kiện hội chợ về văn hóa, thể thao và du lịch luân phiên hàng năm giữa hai địa phương... nhằm hỗ trợ và thúc đẩy cùng nhau phát triển.

- Tổng Công ty du lịch Sài Gòn hỗ trợ đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn, cán bộ quản lý, ...

- Tỉnh Ninh Thuận cử các đoàn vận động viên được tập huấn dài hạn, tham dự các giải thể thao do thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; đồng thời, Thành phố tạo điều kiện, hỗ trợ cử huấn luyện viên giỏi đến làm việc ngắn hạn tại Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh Ninh Thuận để giúp tuyển chọn các vận động viên xuất sắc ở các môn thể thao của tỉnh Ninh Thuận tập huấn ở nước ngoài cùng đoàn thể thao thành phố Hồ Chí Minh.

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai địa phương, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn cùng các đơn vị liên quan.

4. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo.

- Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Ninh Thuận giới thiệu, kêu gọi các Trường Đại học có uy tín, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu xây dựng mới Trường Đại học hoặc mở chi nhánh các Trường Đại học tại tỉnh Ninh Thuận.

- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận liên kết với các Trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề tại thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo các chuyên ngành theo yêu cầu của tỉnh Ninh Thuận; ngành giáo dục đào tạo hai địa phương phối hợp hỗ trợ Trường Cao đẳng nghề của tỉnh Ninh Thuận trong việc nghiên cứu giảng dạy thêm một số nghề mới, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, giới thiệu giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường;

- Hợp tác trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Đơn vị thực hiện: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động và thương binh xã hội hai địa phương, các Trường Đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn Thành phố cùng các đơn vị liên quan.

5. Lĩnh vực y tế:

- Hợp tác nâng cao nguồn nhân lực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và dạy nghề và một số lĩnh vực khác thông qua liên kết đào tạo giữa các đơn vị của hai địa phương và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

- Tiếp tục thực hiện các chương trình liên kết với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh đào tạo bác sĩ, dược sĩ hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng; phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng I và Nhi đồng II trong việc hỗ trợ bệnh viện Tỉnh trong chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu; tiếp tục hợp tác khám chữa bệnh cho Cán bộ Công chức thuộc diện quản lý, bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn số 52 HD/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương Đảng tại các bệnh viện tuyến trên; đồng thời tiếp tục phối hợp với các bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện đề án 1816 (đề án tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới) tại tỉnh Ninh Thuận.

Đơn vị thực hiện: Sở Y tế, các Bệnh viện tại hai địa phương cùng các đơn vị liên quan

6. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Hai địa phương phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Phối hợp trong công tác chẩn đoán xét nghiệm, kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm; phòng chống dịch cúm gia cầm và xét nghiệm huyết thanh đàn gia cầm khi đưa về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phối hợp, trao đổi kinh nghiệm trong công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình dịch hại trên cây trồng, phương pháp phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng; thông báo kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả; thông báo kết quả thanh tra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

- Hợp tác trong lĩnh vực trao đổi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu (cây-con) để tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cho hai địa phương.

- Hợp tác giới thiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chợ đầu mối, chợ siêu thị tại Thành phố để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận.

- Phối hợp kêu gọi các doanh nghiệp tới nghiên cứu thị trường, tìm hiểu môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tỉnh, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi, thu hút đầu tư. Tỉnh Ninh Thuận sẽ tạo điều kiện tốt nhất về các thủ tục, chính sách liên quan để hỗ trợ cho doanh nghiệp đến đầu tư.

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai địa phương, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cùng các đơn vị thành viên phố hợp cùng các đơn vị có liên quan.

7. Lĩnh vực khoa học và công nghệ:

- Thành phố hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị các tiến bộ khoa học , kỹ thuật phù hợp nhu cầu hợp tác giữa hai bên, trước mắt đẩy nhanh việc triển khai sản xuất thử nghiệm, lắp đặt và vận hành Turbin gió theo công nghê mới tại Ninh Thuận (dự án điện gió Công Hải 1) để tiếp tục nhân rộng mô hình hợp tác.

- Phối hợp thông tin, chuyển giao, phổ biến nhân rộng các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án sau nghiệm thu; giới thiệu những tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng một cách có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương.

- Phối hợp phát triển và chuyển giao công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin quản lý giống, mô hình chăn nuôi, quy trình sản xuất giống, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ bảo quản và sau thu hoạch.

Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai địa phương phối hợp cùng các đơn vị liên quan.

8. Lĩnh vực giao thông vận tải

- Phối hợp khai thác có hiệu quả tuyến xe khách chất lượng cao từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện trong tỉnh Ninh Thuận tới thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại;

- Trao đổi về công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh giữa hai địa phương, phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm trật tự vận tải hành khách liên tỉnh, thực hiện tốt các quy định của ngành.

- Cùng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc đầu tư các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang, đi qua Ninh Thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của các tỉnh cũng như trong giao lưu và hợp tác phát triển.

Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông Vận tải hai địa phương, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị liên quan.

9. Lĩnh vực thông tin và truyền thông.

- Sở Thông tin và Truyền thông hai địa phương phối hợp triển khai thực hiện các nội dung hai đơn vị đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin (phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và an toàn thông tin, chuyển giao một số phần mềm về quản lý nhà nước cũng như hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp); phối hợp trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí xuất bản.

- Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mã nguồn mở các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử cho tỉnh Ninh Thuận; phối hợp, hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát và điều phối ứng cứu sự cố mạng; triển khai công tác giám sát an toàn mạng để phát hiện và cảnh báo sớm các vụ tấn công gây mất an toàn thông tin; hỗ trợ kiểm tra đánh giá các cổng thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước thuộc tỉnh Ninh Thuận để có biện pháp khắc phục kịp thời ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra.

- Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trên các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và báo chí xuất bản.

- Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Thuận (NTV) phát triển và kết nối các chương trình truyền hình.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông hai địa phương, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV), Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Thuận (NTV) cùng các đơn vị liên quan.

10. Lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội.

- Phối hợp với các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang đầu tư, kinh doanh tại tỉnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của Tỉnh.

- Phối hợp, trao đổi và cung cấp thông tin liên quan về thị trường lao động, cung ứng lao động, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động theo quy định pháp luật lao động; cung cấp thông tin phục vụ các yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động để liên kết giải quyết cung - cầu lao động giữa các bên;

- Phối hợp đào tạo, tạo nguồn cung ứng lao động cho nhu cầu lao động tại hai địa phương, nhu cầu đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo chương trình liên kết giữa hai địa phương.

- Tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực an sinh xã hội và chăm sóc các đối tượng chính sách; kêu gọi và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng là người nghèo, chính sách của Ninh Thuận.

- Trao đổi thông tin về nghiệp vụ phòng, chống tệ nạn xã hội; về kinh nghiệm trong công tác bảo trợ xã hội, hoạt động xã hội;

Đơn vị thực hiện: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hai địa phương, các doanh nghiệp trong Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương phối hợp cùng các đơn vị liên quan.

11. Lĩnh vực xây dựng.

Hai địa phương phối hợp, hợp tác trong công tác quản lý, phát triển vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý và kiểm soát chất lượng, giá, nhãn hàng hóa vật liệu xây dựng; đổi mới công nghệ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư, mở rộng thị trường vật liệu xây dựng…

Đơn vị thực hiện: Sở Xây dựng hai địa phương cùng các đơn vị liên quan.

12. Lĩnh vực ngân hàng.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại hai địa phương phối hợp, hỗ trợ vận động các Tổ chức tín dụng, nhất là các Tổ chức tín dụng có tiềm lực tài chính mạnh, có các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng đa dạng và hiện đại để mở chi nhánh hoạt động trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhằm góp phần vào việc hoàn thiện các thị trường về tài chính, tiền tệ trên địa bàn.

- Tăng cường hợp tác, phối hợp giữa Quỹ Đầu tư Phát triển của hai địa phương về nghiệp vụ, vốn, đào tạo nhân lực ….

Đơn vị thực hiện: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, chi nhánh tỉnh Ninh Thuận và các tổ chức tín dụng có liên quan.

13. Ngoài những nội dung hợp tác nêu trên, hai bên tạo điều kiện hỗ trợ Chương trình hợp tác giữa Đoàn thanh niên hai địa phương mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Tạo điều kiện cho các sở, ngành trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước, cải cách hành chính; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hợp tác phát triển.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần bổ sung hoặc điều chỉnh, các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể và trình Lãnh đạo hai địa phương xem xét, quyết định.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Mỗi địa phương cử một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế -xã hội đã được hai bên thỏa thuận.

2. Trên cơ sở Chương trình hợp tác đã được lãnh đạo hai địa phương ký kết, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động thực hiện xây dựng kế hoạch cụ thể và trực tiếp làm việc với nhau để ký các văn bản ghi nhớ và tổ chức thực hiện; định kỳ hàng quý có báo cáo tình hình thực hiện và gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo hai địa phương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối phối hợp, tổng hợp 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện và đề xuất lãnh đạo hai địa phương xem xét, quyết định các chương trình, kế hoạch, cơ chế, giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình hợp tác.

4. Hai địa phương định kỳ một năm một lần tổ chức các cuộc họp luân phiên để sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung đã thỏa thuận hợp tác; trao đổi thống nhất các vấn đề hợp tác cần điều chỉnh, bổ sung và phát sinh mới.