Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Sáng 14-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) số 1, đơn vị TP. Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với hơn 300 cử tri quận 1.

Tại buổi tiếp xúc, Tiến sĩ Trần Du Lịch báo cáo với cử tri một số nội dung chính tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII. Theo đó, kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 20-10 đến 30-11, tập trung hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 Luật và 3 Nghị quyết. Trong đó, có nhiều Luật quan trọng như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam… Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến 12 dự án Luật. Bên cạnh đó, Quốc hội nghe báo cáo, thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 2014, kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, đề án đổi mới sách giáo khoa, chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, dự án tuyến đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh… Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: qdnd.vn)

Đông đảo cử tri đã bày tỏ ý kiến về các vấn đề trong xã hội hiện nay và mong muốn Quốc hội xem xét như: Việc bỏ chợ truyền thống để xây dựng trung tâm thương mại, đấu thầu thuốc chưa minh bạch, các bệnh viện lớn bị quá tải, tình trạng quy hoạch treo còn diễn ra nhiều ở các địa phương, người nghiện ma túy gia tăng trong cộng đồng, chống tham nhũng chưa có kết quả thiết thực…

Cử tri Trần Đăng Trâm, phường Đa Kao nêu ý kiến: “Cán bộ tiếp dân một số nơi chưa làm đúng chức trách, thái độ chưa thật sự hòa nhã với người dân. Đảng, Nhà nước nên có những biện pháp để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, cũng như xử lý nghiêm những cán bộ có thẩm quyền nhưng cố tình thờ ơ, chậm giải quyết bức xúc của người dân”. Cử tri Hoàng Như Khương, phường Bến Nghé kiến nghị: “Quốc hội nên tăng số lượng ĐBQH chuyên trách trong việc làm Luật, bảo đảm Luật ban hành có đầy đủ cơ sở khoa học, đáp ứng thực tế. Ngoài hai kỳ tiếp xúc cử tri hằng năm, các ĐBQH cần tăng cường giám sát hoạt động của địa phương, tích cực đi thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa để bảo đảm các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến được với người dân. Bên cạnh đó, ĐBQH phải tăng tính đấu tranh trong chất vấn những người đứng đầu các bộ, ngành, làm rõ điểm mạnh, yếu và trách nhiệm cụ thể”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri quận 1, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: qdnd.vn)

Thay mặt Tổ ĐBQH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh, ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri và khẳng định, Tổ ĐBQH sẽ phản ánh những ý kiến này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan. Giải đáp những băn khoăn của cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu lâu bền, cần ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Đảng, Nhà nước đang làm và có hiệu quả bước đầu, kinh tế có phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn chậm. Đây là vấn đề lớn, không phải làm được trong 1-2 năm mà phải có bước đi tích cực, phù hợp thực tiễn gắn với hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống pháp luật.

Chủ tịch nước cho biết, đầu tư công đang là “thách đố lớn” đối với Trung ương, làm sao để giảm đầu tư công mà vẫn tăng tổng đầu tư xã hội là bài toán không đơn giản. Cùng với đó, chúng ta cũng phải tạo việc làm, nâng cao công nghệ, tăng năng suất lao động… để giải phóng sức sản xuất của xã hội, bảo đảm tăng trưởng nhanh nhưng bền vững. Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế đất nước sẽ là nền kinh tế mở cửa rộng, sức ép cạnh tranh sẽ lớn, đòi hỏi cần có sự có sự quyết tâm cao, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước Trương Tấn sang nêu rõ, chúng ta đang có những hiệu quả nhất định trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, so sánh với yêu cầu của Đảng, Nhà nước và thực tế cuộc sống thì chưa đáp ứng được. Thời gian tới, cử tri cần tiếp tục phát huy chính kiến, tinh thần dân chủ, phản ánh thường xuyên, kịp thời những tiêu cực cho ĐBQH và các cấp chức năng, góp phần thực hiện mục tiêu “ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân