Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận chính quyền

(NTO) Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 15-8-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2011-2015” đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Minh Lực, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 22, công tác dân vận chính quyền đã tác động ra sao đến các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy nội lực trong nhân dân?

- Đồng chí Trần Minh Lực: Từ năm 2011, dự báo trong giai đoạn mới ở tỉnh ta sẽ có nhiều thay đổi lớn về thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hàng loạt công trình dự án khởi công sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đền bù giải tỏa đất đai, khiếu nại, khiếu kiện của người dân, nên Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận chính quyền thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, UBND tỉnh có Quyết định số 470/QĐ-UBND, ngày 4-10-2011 về “Ban hành Đề án xây dựng các giải pháp công tác dân vận chính quyền tỉnh Ninh Thuận thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2011-2015” (gọi tắt là Quyết định 470). Đây là một nội dung rất quan trọng trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền. Nhiều sở, ban, ngành của tỉnh đã ban hành Quy chế dân chủ, Quy chế công tác dân vận trên nhiều lĩnh vực.

Nổi bật là các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; công khai, minh bạch về công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh, nhất là công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện đối thoại trực tiếp với nhân dân, tổ chức cho nhân dân bàn bạc, thảo luận, quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp và giám sát về xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Phóng viên: Từ kết quả thực hiện Chỉ thị nói trên, xin đồng chí cho biết kinh nghiệm được rút ra và các giải pháp thực hiện công tác dân vận chính quyền thời gian đến.

- Đồng chí Trần Minh Lực: Qua thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kinh nghiệm rút ra là nơi nào mà cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận thì nơi đó những nguyện vọng, bức xúc chính đáng của người dân được kịp thời giải quyết và đương nhiên là ít xảy ra các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện. Nếu làm tốt công tác cải cách hành chính; lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời những kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân; thường xuyên tổ chức đối thoại; công khai, minh bạch các chương trình, dự án của địa phương, người dân sẽ đồng tình ủng hộ và củng cố niềm tin đối với Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận chính quyền trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân theo định kỳ ít nhất mỗi năm một lần và đột xuất nhiều lần, nhất là khi triển khai các chương trình, dự án có vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, ảnh hưởng môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội. Phải gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và nhất là tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới”. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế công tác dân vận của Đảng, cải cách hành chính, thực hiện tốt văn hóa công sở, đổi mới tác phong làm việc theo hướng dân chủ, kỷ luật, kỷ cương và luôn luôn “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Phải thống nhất quan điểm công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt. Ngoài ra, Mặt trận và đoàn thể tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội đối với các chủ trương chính sách, chương trình dự án trước khi triển khai thực hiện.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.