Vấn đề hôm nay:

“Nói phải đi đôi với làm”!

(NTO) Ngày 3-9 vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 57-CT/TU “Về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CB,ĐV,CC,VC) và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh”.

Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị này đó là: “Nghiêm cấm CB,ĐV,CC,VC… uống rượu, bia trong giờ làm việc, cả giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách, liên hoan”. Thực ra, đây không phải là vấn đề mới mà đã vài năm qua nhiều tỉnh, thành trong khu vực với tỉnh ta và cả nước đã triển khai thực hiện khá nghiêm túc, tạo sự đồng tình rất cao trong xã hội nói chung. Hầu như mọi người đều quá biết uống rượu, bia không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn dẫn đến mất nhiều thứ nếu như quá “lạm dụng”, lớn nhất là mất sức khỏe, tốn kém thời gian, vật chất… thậm chí là mất cả nhân cách nếu thiếu kiềm chế… Thực tế cho thấy có đến 1.001 lý do từ nhà mới, đám giỗ, đám cưới…đến bạn cũ lâu ngày không gặp…để CC,VC “chén tạc, chén thù” với nhau và lý do nào xem ra cũng rất chi là hợp lý và rất là tình cảm khó có thể chối từ được.

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp
lập thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Thế nhưng, mời mọc nhau vào cuối ngày làm việc thì không sao nhưng nếu vào buổi sáng (mà thường là vậy) thì hệ lụy xảy ra: hoặc là “lén” nghỉ buổi chiều hoặc nếu có đi làm thì cũng khó có thể đạt hiệu quả trong công việc khi đã có men bia, rượu trong người. Đó là nói đến CB,CC,VC không trực tiếp với dân còn nếu như trực tiếp giải quyết công việc với nhân dân thì điều “mất” đầu tiên là “mất tư cách”, để lại hình ảnh không đẹp trong lòng dân. Đó là chưa nói đến thái độ phản cảm trong giao tiếp với người dân…

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Chỉ thị 57 của Tỉnh ủy nhanh chóng đi vào cuộc sống?. Theo chúng tôi, đầu tiên CB,CC,VC phải tự chấn chỉnh bản thân, đi đầu, làm gương trong việc chấp hành, “nói phải đi đôi với làm”, bởi lẽ chỉ có ý thức tự giác thì mới thực hiện đạt kết quả cao. Các cơ quan, đơn vị cũng cần cụ thể hóa Chỉ thị nêu trên bằng quy định và xem đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên. Mặt khác, cần có chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc theo phản ánh của nhân dân…, tránh làm qua loa, đại khái, “đầu voi đuôi chuột”…

Thực hiện tốt Chỉ thị 57 của Tỉnh ủy cũng chính là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 ngày 31-1-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước”. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở công sở cũng như ở nơi công cộng và khu dân cư.