Phước Hà: Truyền dạy nhạc cụ mã la cổ cho học sinh Raglai

(NTO) Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian Raglai nhánh Nam, từ năm 2013, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) đã mở lớp truyền dạy nhạc cụ mã la cổ tại làng Rô- Ôk cho các em học sinh địa phương. Mô hình lớp học này bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Xã Phước Hà (Thuận Nam) có 5 thôn với tổng số 3.218 nhân khẩu trên 651 hộ sinh sống, trong đó người dân tộc Raglai chiếm trên 95%. Có một thực tế chung của cộng đồng dân tộc Raglai, trong đó có xã Phước Hà là thế hệ trẻ người Raglai ngày càng xa rời với tiếng mã la truyền thống, người biết diễn tấu loại nhạc cụ này hầu hết chỉ là số ít các già làng, lão nghệ nhân địa phương. Trước thực trạng ấy, từ năm 2013, lớp “Truyền dạy nhạc cụ mã la cổ” đã được UBND xã Phước Hà mở ra nhằm giúp cho các em học sinh biết cách trình diễn những bài mã la cổ, hiểu biết sâu sắc về những giá trị văn hóa truyền thống, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Các em học sinh tham gia lớp học “Truyền dạy nhạc cụ mã la cổ” ở xã Phước Hà.

Tham gia lớp học có 3 nhóm đối tượng: Nghệ nhân cao tuổi, học viên trung niên và học viên là học sinh đang học tại Trường TH Giá và Trường PTDT Bán trú THCS Phước Hà (tất cả gồm 20 người). Khóa học được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là nghệ nhân cao tuổi truyền dạy các bản mã la cổ và cách diễn tấu nhạc cụ mã la cho các học viên trung niên. 20 buổi học vào mỗi buổi tối tại làng Rô- Ôk đã được tổ chức dưới sự tham gia đầy đủ và nhiệt tình của cả người dạy và người học. 7 bản mã la cổ gồm Toòn sia sia, Toòn ti vanh, Pa tuk, Klat tui ya, Ktục puk ru pàik, Toòn vớtk, Ka tờk ku may đã được các nghệ nhân truyền dạy bài bản cho các học viên. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, Ban điều hành lớp học (gồm cán bộ xã và các nghệ nhân trực tiếp tham gia giảng dạy) tổ chức sơ kết để kiểm tra, đánh giá kết quả. Theo đó, những học viên trung niên nào hoàn thành xuất sắc việc học mã la được tuyển chọn để trở thành thầy giáo trong giai đoạn 2. Giai đoạn 2 là giai đoạn các học viên trung niên, lúc này đã nắm vững được các bản mã la trở thành thầy giáo để truyền dạy lại những gì đã được học từ các nghệ nhân cao tuổi cho các học sinh đã được tuyển lựa trong các trường học tại địa phương. Kết thúc khóa học, hầu hết các học viên trung niên và các học sinh đều vui mừng, phấn khởi và mong muốn có thể được chơi mã la thường xuyên và truyền dạy được cho nhiều người khác ở địa phương mình.

Em Chamaléa Đưa (học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Phước Hà) là người được nhận giấy khen của UBND xã vì đã có thành tích tốt, đánh mã la hay nhất trong số học sinh tham gia lớp học lần này. Đưa cho biết: Sau 3 tháng học, em và các bạn đã thông thuộc và biểu diễn được 7 bài mã la cổ. Chúng em cũng thường xuyên chia sẻ về các bản mã la cổ, cách đánh mã la cho các bạn chưa biết, đồng thời biểu diễn mã la mỗi lần trường hoặc xã tổ chức các sự kiện ngoài trời trước sự cổ vũ và hưởng ứng của nhiều người.

Anh Tà Thía Banh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Hà, đồng thời là Chủ nhiệm Ban điều hành lớp học “Truyền dạy nhạc cụ mã la cổ”, thuộc Dự án “Bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân gian Raglai” cho biết: Để lớp học thành công, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn Nghệ thuật Văn hóa dân gian, sự cố vấn của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hải Liên. Trong thời gian tới, lớp học tiếp theo sẽ được mở với số lượng người đăng ký dạy và học đông hơn. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục xin kinh phí để mua thêm 2 bộ mã la cho xã, truyền đạt 19 bản mã la cổ còn lại, đồng thời mở rộng phạm vi các nhạc cụ sang kèn bầu, đàn Sarakhen, đàn Chapi… cho đông đảo thanh thiếu niên trong xã.