Chuyện công nhân đi ở trọ

(NTO) Làm việc xa gia đình, chưa có nhà ở ổn định và các lý do khác nên nhiều công nhân, lao động (CN-LĐ) ở trong tỉnh phải thuê nhà ở trọ. Trong thời buổi vật giá leo thang, đồng lương hạn hẹp, cuộc sống của những CN-LĐ vốn đã khó khăn, biết bao lo toan với bài toán cơm, áo, gạo, tiền, nay lại còn trăn trở về điều kiện nơi ăn, chốn ở.

Hơn 7 giờ tối, Công ty TNHH May Tiến Thuận bắt đầu tan ca. Hàng trăm nữ CN hối hả về nhà vì thời điểm này đã quá muộn cho bữa cơm tối gia đình. Theo chân chị Nguyễn Thị Diệp, CN của công ty về phòng trọ tại con hẻm nhỏ cách công ty chừng 100m. Với dáng vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, chị Diệp cho biết: Tối nay tăng ca nên về muộn, cả ngày làm việc ở công ty không đi chợ mua thức ăn được nên bữa tối kiếm cái gì ăn cho qua rồi đi ngủ sớm. Chị Diệp làm tại Công ty TNHH May Tiến Thuận gần 10 năm, mức lương trung bình hiện nay hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo chị, với mức thu nhập này, đối với một CN sống xa gia đình phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Chị Diệp phân tích: Mang tiếng là thu nhập ngày càng tăng nhưng giá cả cũng tăng theo nên đời sống của người LĐ chẳng cải thiện được bao nhiêu. Chi phí cho ăn uống, sinh hoạt, rồi tiền nhà, tiền điện, tiền nước cứ tăng vèo vèo. Trước đây tiền nhà trọ 150.000 đồng/tháng, còn hiện nay là 600.000 đồng/tháng, cộng tiền điện, tiền nước cũng phải mất hơn 700.000 đồng tiền ở trọ mỗi tháng.

Rời phòng trọ của chị Diệp, chúng tôi ghé thăm gia đình của chị Mai, thuê phòng tại một khu nhà trọ khác cách đó không xa. Khu nhà trọ này có gần 10 phòng, diện tích mỗi phòng chưa đầy 15m2. Hầu hết các phòng không có cửa sổ, nên dù đã gần 7 giờ tối nhưng khi bước vào phòng, hơi nóng hầm hập, ngột ngạt. Chất lượng thấp nhưng giá mỗi phòng lên đến 400.000 đồng. Chị Mai tâm sự: Nhà ở Đông Hải, lập gia đình xong vợ chồng phải ra ở riêng. Tôi làm việc cho một nhóm trẻ gia đình, còn chồng tôi làm tài xế, công việc, thu nhập thất thường lắm. Mỗi tháng thu nhập của cả vợ chồng chỉ khoảng 5 triệu đồng, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình, nuôi con nhỏ. Biết là chỗ ở trọ thế này rất tù túng, ngột ngạt nhưng do gần chỗ em làm, đỡ tiền xăng xe đi lại nên cũng cố chịu.

Cũng như gia đình chị Mai, gia đình chị Nhi, thuê phòng tại một khu nhà trọ trên đường 21 Tháng 8 có hoàn cảnh tương tự. Căn phòng chị Nhi đang thuê có diện tích khoảng 20m2, được lát gạch bông, thoạt nhìn trông cũng có vẻ thoáng mát, sạch sẽ, nhưng khi vào bên trong, mới thấy hết sức chật chội vì phải chứa biết bao là thứ, nào là đồ dùng nhà bếp, quần áo... Tuy nhiên, theo nhiều người ở trọ ở đây, khu nhà trọ này thuộc loại “tốt” vì so với các nhà trọ khác, phòng ở đây rộng hơn và được thiết kế có công trình phụ, khu vực nấu ăn ngay trong phòng, khỏi phải chung đụng như nhiều nhà trọ khác. Vì vậy giá cũng rất cao, 700.000 đồng/tháng. Nhi giãi bày: Trước đây em làm nhân viên cho một doanh nghiệp, nhưng sau khi sinh con em nghỉ việc để ở nhà chăm con. Chồng em làm tài xế, thu nhập chả được bao nhiêu. Ở đây chủ trọ tính tiền điện lên đến 3.000 đồng/1KW, còn tiền nước 12.000 đồng/m3. Riêng tiền nhà, tiền điện, tiền nước trung bình vợ chồng em phải chi hơn 1 triệu đồng/tháng. Chắt chiu, tiết kiệm lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Đó là chưa kể khi con bệnh đau phải chạy vạy đủ đường.

Qua tìm hiểu, hầu hết chất lượng các khu nhà trọ đều chưa đáp ứng điều kiện sinh hoạt của người thuê. Để tiết kiệm diện tích đất và xây được nhiều phòng, các chủ nhà trọ cố gắng hạn chế diện tích phòng, xây liền kề nhau, nhiều phòng không có cửa sổ, hành lang các khu trọ chật hẹp… nên rất tù túng, nóng nực. Mặc dù chất lượng không tốt, giá các phòng trọ cao, tuy nhiên số lượng nhà trọ hiện nay ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thuê nhà của người LĐ.

Nhằm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, khi được hỏi về nguyên vọng của mình, hầu hết những CN-LĐ đang phải thuê phòng ở trọ đều mong muốn doanh nghiệp nơi họ đang làm việc, hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội, ở đó họ được thuê giá thấp, được đầu tư các khu vui chơi giải trí tạo điều kiện giúp họ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tái tạo sức LĐ sau thời gian làm việc vất vả. Kinh tế- xã hội tỉnh nhà đang ngày một phát triển, nhu cầu về nhà ở càng tăng lên, chính vì vậy, tỉnh ta và các doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, có chính sách hỗ trợ nhà ở cho người LĐ khó khăn về nhà ở, chăm lo đời sống cho người LĐ. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút nguồn nhân lực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển tỉnh nhà.