Cánh đồng mẫu lớn: Doanh nghiệp đã thấy lợi ích

Bỏ qua những nghi ngại ban đầu và nhờ chính sách kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhận thấy được lợi ích khi tham gia cánh đồng lớn.

Cánh đồng mẫu lớn lần đầu tiên được thực hiện vào vụ đông xuân năm 2010-2011 tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) với diện tích 1.100 ha. Từ đó đến nay, mô hình này đã cho thấy hướng đi đúng đắn của những nhà làm chính sách, mặc dù trong quá trình thực hiện vẫn còn những “vấn đề” cần giải quyết.

Thuyền chở lúa của nông dân từ cánh đồng mẫu lớn về nhà máy. Ảnh: VGP/Vũ Hạ

Ban đầu, mô hình này nhận được nhiều nghi ngờ về tính khả thi của nó. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã quyết tâm thực hiện. Trong khi các công ty xuất khẩu gạo vẫn thờ ơ do chỉ muốn mua gạo theo giá thị trường và xuất khẩu để kiếm lời thay vì đầu tư vào vùng nguyên liệu, thì chỉ mình AGPPS vào cuộc. Song, công ty này cũng bị nghi ngờ là xây dựng cánh đồng mẫu lớn để... bán được thuốc trừ sâu hơn là đầu tư cho nông dân.

Trước tình thế này, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc AGPPS, đã lên tiếng khẳng định quyết tâm làm cánh đồng lớn. Theo ông Thòn, nhiều người không đề cập đến bản chất của vấn đề là phải so sánh giá thành sản xuất giữa cánh đồng mẫu lớn với giá thành của nông dân không tham gia cánh đồng mẫu lớn để biết ở đâu hiệu quả hơn.

Thực tế, từ khi AGPPS thực hiện thành công cánh đồng mẫu lớn, Bộ NNPTNT cho áp dụng trên toàn quốc nhằm đem lại giải pháp toàn diện cho người nông dân và ngành nông nghiệp. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.

Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia kinh phí để quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện trong dự án cánh đồng lớn; hỗ trợ 50-100% kinh phí tổ chức tập huấn cho nông dân thời gian đầu; hỗ trợ 20-30% chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật…

Vì thế, tại ĐBSCL, vựa lúa lớn nhất cả nước, đã có nhiều công ty tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, ngoài AGPPS còn có công ty lương thực Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... tham gia vào.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), người nhận ra những ưu việt của mô hình cánh đồng lớn và đã quyết định tham gia cho rằng, đến lúc các doanh nghiệp phải tham gia thay vì ngồi bàn những thiệt hơn.

Dẫn chứng từ ngành chăn nuôi, ông Bình cho rằng, nếu các doanh nghiệp chỉ chờ đến vụ rồi thu mua bán kiếm lời thì ngành lúa gạo Việt Nam có thể đi theo vết xe của ngành chăn nuôi. Theo ông, các doanh nghiệp vốn nước ngoài trong lĩnh vực chăn nuôi đầu tư từ thức ăn, con giống... nên đến nay, họ chiếm được thị phần lớn. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo còn chần chừ thì sẽ đến lúc Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nhưng người dân lại trồng và ăn gạo của một thương hiệu nước ngoài.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), đến nay, ở ĐBSCL đã có 12 tỉnh triển khai thực hiện cánh đồng lớn (thay cho cánh đồng mẫu lớn) và xem đây là vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa gắn với tiêu thụ. Cánh đồng lớn ở đây có 5 dạng vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới. Đó là cánh đồng lớn canh tác giống lúa Jasmine chuyên cung ứng lúa, gạo Jasmine 85; cánh đồng lớn canh tác giống lúa cho gạo trắng hạt dài chất lượng cao; cánh đồng lớn canh tác giống lúa đặc sản; cánh đồng lớn canh tác giống nếp và giống lúa hạt tròn (japonica) và cuối cùng là cánh đồng lớn canh tác giống lúa chất lượng trung bình và giống lúa chất lượng thấp. Tổng diện tích khoảng 140.000 ha, tăng 127 lần so với thời điểm mới bắt đầu thí điểm cánh đồng mẫu lớn.

Dự kiến, đến cuối năm 2014, diện tích cánh đồng lớn sẽ chạm con số 201.000 ha. Tuy nhiên, số diện tích cánh đồng lớn có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới vì mới đây, AGPPS và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đang có kế hoạch chuyển 30% diện tích canh tác lúa ở ĐBSCL trở thành vùng nguyên liệu xuất khẩu (hiện ĐBSCL có gần 1,7 triệu ha đất trồng lúa).

Điều này chứng tỏ qua những nghi ngại ban đầu và nhờ chính sách kịp thời của Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhận thấy được lợi ích khi tham gia cánh đồng lớn. Đó là năng suất lúa cao hơn, chi phí ít hơn, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu sang những thị trường khó tính với giá xuất khẩu luôn ở mức cao, điều này đồng nghĩa hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cao hơn so với cách sản xuất truyền thống lâu nay.

Nông dân tin tưởng, doanh nghiệp quyết tâm là điều khiến cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt được những thành công bước đầu.

Nguồn www.chinhphu.vn