Đối phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát

Bệnh viêm não Nhật Bản B và hội chứng viêm màng não đang có xu hướng tăng và diễn biến khó lường trong khi dịch bệnh Ebola đang có nguy cơ lớn xâm nhập vào nước ta.

Tính từ đầu năm đến ngày 5-8, bốn nước Tây Phi gồm Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone đã ghi nhận hơn 1.600 ca sốt xuất huyết do virus ebola, trong đó, gần 890 người tử vong.

Chỉ tính riêng trong 2 ngày (31-7 và 1-8), 4 nước này báo cáo ghi nhận thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 trường hợp tử vong. Trong đó, Guinea ghi nhận 13 ca mắc mới nhưng có đến 12 người tử vong, con số này tại Liberia 77 và 28 tử vong...

Khống chế dịch Ebola từ mỗi quốc gia

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ của căn bệnh này và đang diễn biến trái ngược với các vụ dịch trước đây.

Dịch Ebola tại Tây Phi đang tăng nhanh trong những ngày gần đây. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chuyển từ đánh giá nguy cơ lây theo đường du lịch cực thấp sang cảnh báo chưa loại trừ lây sang đường hàng không.

Để đối phó với dịch bệnh này, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết, virus Ebola không tồn tại trong không khí mà lây truyền sang người khi tiếp xúc gần với dịch thể của người nhiễm hay chết do nhiễm virus. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm virus trong cộng đồng dân cư không cao. Tuy nhiên, sự biến đổi liên tục và dễ thích nghi là cơ chế sinh tồn của virus này. Chính vì vậy, chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế không nên để virus này lưu hành rộng rãi và trong thời gian dài trong dân cư.

Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Do đó, để phòng bệnh, người dân cần lưu ý thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn...), tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.

 
Bộ Y tế kiểm tra tình hình dịch bệnh viêm màng não ở Sơn La. Ảnh: VGP/Vũ Khoa

Diễn biến khó lường của bệnh viêm não và tiêu chảy

Là địa phương ghi nhận số ca mắc bệnh viêm não virus đang gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp, hiện tỉnh Sơn La đang khẩn trương chỉ đạo công tác giám sát, huy động tối đa nguồn nhân lực, chuẩn bị thuốc, trang thiết bị cấp cứu kịp thời, thường xuyên giám sát khu vực cách ly của các BV, hội chẩn đối với những bệnh nhân nặng để tìm cách điều trị phù hợp.

Hiện nay, trên toàn tỉnh đã ghi nhận 100 trường hợp mắc viêm não virus tại 12/12 huyện, thành phố, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 1-10 và đã có 13 ca tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tỉnh Sơn La đã xảy ra vụ dịch mà các nhà chuyên môn kết luận đó là hội chứng viêm màng não, trong đó có viêm não Nhật bản B. Trong số trên 100 trường hợp mắc thì phát hiện 31 trường hợp bị viêm não Nhật Bản B. Tuy nhiên, các trường hợp tử vong không phải do viêm não Nhật Bản, vì khi tiến hành xét nghiệm không phát hiện virus này. 

Mặc dù số ca mắc có giảm so với năm trước tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, diễn biến bệnh viêm não Nhật Bản và hội chứng viêm não màng ở Sơn La sẽ diễn biến khó lường, phức tạp.

Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ để Sơn La mở rộng đối tượng tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B. Trước đây, mũi tiêm này chỉ cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1-5 tuổi, tuy nhiên, Bộ Y tế đã nâng độ tuổi được tiêm miễn phí vaccine viêm não Nhật Bản B từ 1-15 tuổi tại 2 huyện của Sơn La có số ca mắc cao (huyện Sông Mã và Quỳnh Nhai). Các huyện còn lại trong tỉnh sẽ nâng độ tuổi tiêm miễn phí vaccine viêm não Nhật Bản từ 1-10 tuổi, nhằm đảm bảo phủ kín số trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản B trên toàn tỉnh.

Đối với ổ dịch tiêu chảy xảy ra ở TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Long cũng nhận định diễn biến bệnh sẽ gia tăng trong thời gian tới nếu không chủ động phòng chống bệnh bằng các biện pháp dự phòng như: ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh…

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, thông qua việc giám sát chủ động, Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện một mẫu ốc bươu có phẩy khuẩn tả (nguyên nhân gây ra dịch tả ở nước ta năm 2007). Chính vì vậy, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối phó với tình hình tiêu chảy cấp và tả ở mức độ cao hơn, đồng thời tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát dịch, điều tra và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán để có biện pháp điều trị phù hợp.

Bộ cũng sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra các mẫu nước máy, nước giếng và nước đóng chai... trên cả nước.

Nguồn Chinhphu.vn