Bác Ái thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội

(NTO) Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, huyện vùng cao Bác Ái đã từng bước thay đổi về mọi mặt. Phóng viên Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014 ở địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Hoa
Bí thư Huyện ủy Bác Ái

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của địa phương đã đạt được trong những tháng đầu năm?

Đồng chí Phạm Văn Hoa: Mặc dù từ đầu năm đến nay thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bác Ái vẫn có những chuyển biến đáng kể trên nhiều mặt. Có được kết quả đó là cả một quá trình của sự cộng hưởng, kế thừa trong chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ từ Trung ương đến tỉnh và sự nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là từ khi huyện được quan tâm nằm trong diện thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ. Những đổi thay, phát triển đó có thể khái quát gọn vào 3 vấn đề:

Hồ Sông Sắt có sức tích chứa 69,33 triệu m3 nước phục vụ tưới
cho hơn 3.800 ha đất nông nghiệp tại huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh Bác Ái được đầu tư bằng nhiều nguồn lực với nhiều chương trình khác nhau như: Chương trình định canh, định cư; Chương trình nước sản xuất thông qua hệ thống thủy lợi, nhất là hồ Sông Sắt; Chương trình hỗ trợ sản xuất, trồng rừng khoán quản, gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới…, bước đầu đã phát huy tốt hiệu quả, tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất và có điều kiện tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nhờ đó đã làm thay đổi dần nếp sản xuất cũ. Đặc biệt, nhiều chuỗi giá trị, mô hình sản xuất mới xuất hiện như trồng lúa nước ở các xã: Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thắng; trồng mía ở xã Phước Thành; trồng bắp lai, chuối ở xã Phước Bình; trồng cây keo lai ở Phước Chính, Phước Thành; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại ở Phước Trung… đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân.

Thứ hai, về chính sách an sinh xã hội, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay hầu hết các địa phương trên địa bàn Bác Ái hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt đã được đầu tư khá đầy đủ. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai được khơi dậy, phát huy và bảo tồn. Các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội được nhân dân tích cực tham gia đem lại kết quả tốt. Đặc biệt, phong trào toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục đã tạo được chuyển biến tốt cả về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập; chất lượng học sinh các cấp, chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo và ý thức trách nhiệm của cộng đồng ngày được nâng lên. Nếu cách đây 5 năm, học sinh tốt nghiệp lớp 9 chỉ đếm trên đầu ngón tay thì năm học vừa qua có hơn 1.300 học sinh theo học cấp II và trên 400 học sinh học cấp III.

Vấn đề nữa đó là đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý, lãnh đạo luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tu dưỡng, rèn luyện từng bước trưởng thành nhiều mặt về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức và đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đảm đương được nhiệm vụ ở từng lĩnh vực được phân công. Đội ngũ cán bộ tại chỗ đã nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt các phòng, ban chuyên môn, các lĩnh vực quan trọng và trong hệ thống chính trị của huyện, xã. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền huyện và cơ sở thể hiện rõ tính năng động, sâu sát, dân chủ và giải quyết có hiệu quả, kịp thời những vấn đề nảy sinh, bức xúc, được quần chúng nhân dân tín nhiệm.

Nông dân Bác Ái phát triển các mô hình trồng bắp lai, mì cao sản và chăn nuôi gia súc
mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phóng viên: Để hoàn thành kế hoạch năm 2014, địa phương cần tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa đồng chí ?

Đồng chí Phạm Văn Hoa: Đứng trước yêu cầu phát triển mới, nhất là yêu cầu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tạo động lực hoàn thành kế hoạch năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:

Một là: Quản lý, ổn định đất đai, phát triển sản xuất. Chú trọng phát huy thế mạnh từng vùng, địa phương và ưu tiên cho đầu tư giải quyết nước tưới, quy trình kỹ thuật canh tác, thể nghiệm và nhân rộng mô hình mới có hiệu quả, để tạo ra các chuỗi giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành các vùng chuyên canh lợi thế, phục vụ công nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh.

Hai là: Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo lộ trình của địa phương, phấn đấu đến 2015 xã Phước Đại đạt chuẩn và trước năm 2020 các xã Phước Tiến, Phước Trung đạt chuẩn nông thôn mới.

Ba là: Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng thực lực cách mạng, nòng cốt rộng khắp, đảm bảo cho việc nắm bắt kịp thời, xử lý hiệu quả những tình huống quốc phòng, an ninh từ cơ sở. Trước mắt là hoàn thành tốt chỉ tiêu giao quân năm 2014.

Bốn là: Xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh đảm bảo năng lực chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương trước yêu cầu phát triển mới.

Đường liên thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến được Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng,
phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh tại địa phương.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ trên, huyện đề ra 4 nhóm giải pháp chính: Trước mắt khảo sát, phân loại, đánh giá thực trạng về tình hình đất sản xuất, xác định lại cây trồng, vật nuôi và đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ để xác lập quản lý, quy hoạch, sử dụng hiệu quả. Xây dựng quy trình để xác lập danh mục công trình đầu tư theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch và có ưu tiên nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực. Thứ đến, địa phương tập trung kiện toàn BCĐ Xây dựng nông thôn mới, bổ sung quy chế và rà soát thực trạng kết quả xây dựng tiêu chí nông thôn mới từng xã, trên cơ sở đó phân chia các tổ và phân công cụ thể nhiệm vụ từng tổ, thành viên theo nhóm tiêu chí. Cùng với đó, địa phương sẽ củng cố lực lượng, xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức tự lực tự cường, tinh thần tiết kiệm và quyết tâm vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống mới. Giải pháp sau cùng là huyện tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng về chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, bổ sung quy hoạch, xây dựng lộ trình công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tạo sự đồng bộ và hiệu quả cao trong thực hiên nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí !