Phước Tiến: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân

(NTO) Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Phước Tiến (Bác Ái) đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả khả quan, giúp dân nâng cao đời sống.

Phước Tiến có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 7.600 ha, chủ yếu là đất rừng, đồi núi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 1.100 ha. Toàn xã có 6 thôn, với dân số gần 4.000 người (hơn 850 hộ), trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm 86%. Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn chiếm đến 52%.

Mô hình cây bắp cao sản chuyên canh được xã Phước Tiến quan tâm đầu tư phát triển.

Trước thực trạng đó, “bài toán” làm thế nào để giảm nghèo và thoát nghèo hiệu quả cho nhân dân luôn được cấp ủy, chính quyền xã hết sức quan tâm. Theo đồng chí Hoàng Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã, một trong những vấn đề địa phương quan tâm đặt lên hàng đầu là làm sao thay đổi được nhận thức của người dân trong việc giúp họ tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, thay đổi các tập quán sản xuất, chăn nuôi không còn phù hợp và tiếp cận thị trường, tự mình vươn lên thoát nghèo. Từ suy nghĩ đó, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình xóa đói, giảm nghèo như: Chương trình 134, 135, 167, 30a… Những năm qua, địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước áp dụng những tiến bộ KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân.

Tính đến nay, địa phương đã có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm trên 1.500ha, phần lớn là đất sản xuất cây lúa và cây bắp, còn lại là hoa màu các loại. Trong đó, cây lúa đang được địa phương quan tâm chuyển đổi rất hiệu quả với nhiều mô hình giống mới thành công như giống cao sản, giống chịu hạn CH-207, CH-208…

cho năng suất bình quân 3 vụ đạt 5 tấn/ha, có khu vực đạt năng suất từ 6,5 đến 7 tấn/ha. Ngoài ra, để định hướng cho người dân chuyển mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa để tăng cao thu nhập, địa phương cũng đang hình thành các khu vực sản xuất chuyên canh tại cánh đồng Trà Co 1, Trà Co 2 với quy mô lúa cao sản khoảng 150ha, bắp cao sản 40 ha. Được biết, nếu trước đây việc xuống vụ của bà con còn manh mún, thì nay đã chuyển sang gieo vụ đồng loạt có kế hoạch, có các tổ điều tiết xuống vụ, điều tiết nước một cách hợp lý nên giảm rất nhiều các chi phí không cần thiết trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng đàn gia súc, gia cầm cũng đang được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Ngoài phát triển mô hình đàn bò sinh sản, thì mô hình nuôi heo đen thương phẩm cũng đang mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ dân. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã đã có hơn 7.900 con.

Đi đôi với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng các mô hình sản xuất mới trong sản xuất, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương cũng có những cách làm riêng, rất thiết thực. Điển hình như chương trình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo” được triển khai thực hiện từ năm 2012. Với việc phân công cán bộ, công chức xã trực tiếp theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ một hộ nghèo cần hỗ trợ theo từng tiêu chí đã được địa phương rà soát như: hộ nghèo thiếu đất, hộ thiếu vốn, hộ thiếu kỹ thuật canh tác...Địa phương đã xây dựng và phát động phong trào “Mỗi tuần một buổi chiều thứ 6 cán bộ, công chức xuống giúp dân”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết cách làm này, bước đầu đang mang lại hiệu rất khả quan và được nhân dân ủng hộ. Một trong những việc làm đáng quan tâm nữa của xã Phước Tiến trong công tác giảm nghèo, đó chính là giúp bà con dần tiếp cận với kinh tế thị trường thông qua việc duy trì và phát triển các phiên chợ hàng tuần. Qua hơn một năm đưa vào hoạt động, các phiên chợ của xã không chỉ tăng dần từ một tháng một lần họp chợ lên bốn lần, mà số hộ đồng bào tình nguyện đăng ký tham gia buôn bán, trao đổi kinh nghiệm cũng tăng gấp đôi. “Hiện nay, đã có khoảng 60 hộ tham gia buôn bán hàng tuần tại các phiên chợ, tự làm chủ trong việc phát triển kinh tế thông qua trao đổi, giao thương là điều rất đáng mừng của địa phương. Điều này, thể hiện sự thay đổi nhận thức rõ rệt của bà con trong việc tự lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, đồng chí Hoàng Văn Đặng, cho biết thêm.

Với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và sự phấn đấu vươn lên của nhân dân, Phước Tiến được xem là một trong những địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo của huyện Bác Ái thời gian qua. Từ năm 2011 đến cuối năm 2013, toàn xã đã giảm 17% tỷ lệ hộ nghèo, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo còn 35%. Đa số các hộ thoát nghèo đều có cuộc sống ổn định, không có nguy cơ tái nghèo. Trong năm 2014, địa phương quyết tâm phấn đấu giảm thêm 10% hộ nghèo.