Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2014

Sáng 17-7, Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử đã diễn ra tại TP Đà Nẵng. Hội thảo do UBND TP Đà Nẵng, Sở TTTT Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức.

Với chủ đề “Phát triển chính phủ điện tử: Hạ tầng thông minh, hành chính hiện đại, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp”, Hội thảo đã tập trung vào các nội dung chính là tọa đàm liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển chính phủ điện tử các vùng miền.

Khai mạc Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Các địa phương đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm triển khai và phát triển hạ tầng thông tin, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công tại các tỉnh thành và các sáng kiến tăng cường hợp tác giữa các chính quyền điện tử tại các vùng miền, những khó khăn trong việc kết kết nối hạ tầng thông tin tại địa phương và Trung ương, cũng như đề xuất giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2015-2020.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TTTT TP Đà Nẵng cho biết, những năm qua TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT. Tính đến nay, toàn thành phố có 1.196 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 2,498 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4. Các hệ thống như: Hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến, hệ thống quản lý giao thông công cộng, hệ thống giám sát chất lượng nước sinh hoạt… đã được triển khai sử dụng.

Với Thừa Thiên-Huế, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án ứng dụng phát triển CNTT nhằm xây dựng chính quyền điện tử với trọng tâm là xây dựng các Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành; xây dựng mô hình một cửa điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến cuối tháng 6/2014 toàn tỉnh có 2.789 thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến mức độ 2, hơn 70 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4; các hệ thống cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nền GISHue…đã triển khai mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện giao dịch….

Bên cạnh các hội thảo chuyên đề, khu vực triển lãm đã trưng bày các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu như: Giải pháp trung tâm dữ liệu Flexpod; giải pháp phần mềm hội nghị; giải pháp truyền hình hội nghị; thiết bị đầu cuối cầm tay phục vụ xác thực danh tính trên di động; thiết bị hộ chiếu điện tử di động…

Theo kết quả khảo sát xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2014 của Viện Chính phủ điện tử tại Đại học Waseda Tokyo phối hợp với Học viện Quốc tế CIO, Việt Nam đang xếp hạng 34/61 quốc gia, tăng 3 bậc so với 2013. Trong khối kinh tế APEC cũng như trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 13. Còn tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5 (sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia).

Nguồn www.chinhphu.vn