Đẩy mạnh bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể các sản phẩm đặc thù

(NTO) Tính đến nay, có 7 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh ta là Nước mắm Đông Hải, Rau tươi Tuấn Tú, Rau tươi An Hải, Vải thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Măng khô Bác Ái, Táo, Tỏi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể; 1 sản phẩm nhãn hiệu thông thường là gốm Bàu Trúc và Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho. Lẽ thông thường, khi được cấp bằng chứng nhận, các sản phẩm trên được bảo hộ độc quyền trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế.

 
Sản phẩm gốm Bàu Trúc. Ảnh: Bạch Thương

Chỉ dẫn địa lý nho được cấp văn bằng bảo hộ năm 2012, nhưng công tác quản lý, phát triển đến nay cũng chỉ mới dừng lại ở việc cấp phát 50.000 tem, nhãn cho 5 thành viên của Hiệp hội nho Ninh Thuận. Nhiều khâu quan trọng khác như kiểm tra chất lượng, giám sát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quảng bá thương hiệu vẫn chưa thực hiện được. Điều này dẫn tới thực tế là, có rất nhiều người tiêu dùng trong nước chưa phân biệt được nho Ninh Thuận với nho có nguồn gốc từ nước ngoài. Nông dân chịu nhiều thiệt thòi vì sản phẩm nho làm ra phải bán “sa cạ” ngoài thị trường, cạnh tranh khốc liệt với nho giá rẻ Trung Quốc.

Không dừng ở đó, việc phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu thông thường cũng đang “dậm chân tại chỗ”. Cụ thể, nước mắm Đông Hải đăng ký nhãn hiệu năm 2005, nhưng do hoạt động kém hiệu quả kéo dài nên chủ sở hữu là Cơ sở nước mắm Phong Hoàng đã giải thể làm mất hẳn thương hiệu trên thị trường. Các nhãn hiệu tập thể Rau an toàn An Hải, Măng khô Bác Ái, táo, tỏi…. công tác quản lý như cấp phát tem nhãn, dán nhãn trên sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đến nay vẫn chưa được triển khai.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận, cho rằng: Do Hiệp hội gặp khó về tài lực, nhân lực, thiếu chuyên môn quản lý nên gặp lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, ý thức gìn giữ và phát triển thương hiệu của các cơ sở, hộ sản xuất chưa cao. Lẽ ra, khi đã đăng ký thương hiệu, sản phẩm phải sản xuất theo tiểu chuẩn VietGAP, tuy nhiên do chỉ biết lợi ích trước mắt, các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi mỗi năm tỉnh ta đưa ra thị trường hàng ngàn tấn nho, táo, tỏi và nhiều sản phẩm đặc thù khác nhưng vẫn không khai thác hết giá trị. Ông Nguyễn Viết Ngọc, chủ cơ sở chế biến thực phẩmViết Nghi, tiếc nuối: Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh ta mua nước mắm giá rẻ về pha chế, đóng chai, dán nhãn hiệu của công ty mình rồi bán ra thị trường với giá cao hơn nhiều lần.

Khi người tiêu dùng ngày càng tìm mua những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng thì việc đăng ký, quản lý thương hiệu cho sản phẩm đặc thù là rất cần thiết. Ông Phạm Châu Hoành, Trưởng phòng Quản lý công nghệ - chuyên ngành (Sở Khoa học - Công nghệ), cho rằng: Để đẩy mạnh việc bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cần thiết phải xác định sản phẩm đặc thù làm thế mạnh, từ đó xây dựng chiến lược phù hợp cho việc bảo hộ thương hiệu, tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền các thương hiệu. Các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tập thể trong áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm đặc thù. Đẩy mạnh tuyên truyền cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, người dân thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ sản phẩm đặc thù của tỉnh.