Khả năng xuất hiện El Nino năm 2014

(NTO) Thông thường, hiện tượng El Nino, pha trung gian và hiện tượng La Nina xuất hiện kế tiếp nhau và mỗi hiện tượng El Nino/La Nina xuất hiện cách nhau từ 2 đến 7 năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, hiện tượng El Nino có dấu hiệu xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn.

El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường (với ngưỡng chuẩn sai 0,50C) của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía Đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài trong thời gian từ 5 mùa trượt 3 tháng trở lên. Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (diễn ra trong đại dương) và SO (diễn ra trong khí quyển, biểu thị dao động của chênh lệch khí áp giữa Tây và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương) có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO. Như vậy, El Nino còn được gọi là “pha nóng” của ENSO và ngược lại là “pha lạnh”: La Nina. Theo kết quả dự báo của các mô hình thống kê và động lực của các Trung tâm Khí hậu lớn trên thế giới khả năng xuất hiện El Nino trong mùa hè năm 2014 là 70% và vào mùa thu, mùa đông năm 2014/2015 là 80%. Đây sẽ là các căn cứ quan trọng để nhận định về diễn biến khí hậu ở Việt Nam theo các năm El Nino tương tự trong quá khứ.

Tại Việt Nam vào những năm chịu tác động của El Nino, nhiệt độ trung bình các tháng đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng rõ hơn ở phía Bắc. Hầu hết các đợt El Nino gây thiếu hụt lượng mưa ở các vùng với hiệu số giữa tổng lượng mưa thực tế trong từng đợt với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN) của cùng thời kỳ phổ biến từ 25 đến 50%; đáng chú ý là, đa số các đợt El Nino gây ra tình trạng hụt mưa, song một số đợt đã cho kỷ lục lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ, cho thấy ENSO làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam. Theo nhận định chung là vào năm El Nino hoạt động của bão và ATNĐ ít hơn hoặc xấp xỉ TBNN; tuy nhiên,đáng lưu ý là trong các năm El Nino 1997, 2006, 2009 lại ghi nhận các cơn bão mạnh và hiếm gặp như bão Linda(1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009) gây thiệt hại kỷ lục về người và tài sản.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiều khả năng xuất hiện El Nino trong nửa cuối năm 2014 và có thể kéo dài đến mùa xuân năm 2015; nếu xuất hiện, El Nino sẽ có cường độ trung bình so với các El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây. Trong nửa cuối năm 2014 do tác động của hiện tượng El Nino dẫn đến khả năng bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn bình thường nhưng tiềm ẩn yếu tố bất thường; mùa mưa ở các khu vực kết thúc sớm và thiếu hụt so với TBNN; dòng chảy sẽ suy giảm nhanh vào cuối mùa mưa, lũ. Dòng chảy trên các sông trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong mùa khô 2014/2015 có khả năng nhỏ hơn TBNN và khả năng tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng.

Trên địa bàn khu vực tỉnh Ninh Thuận, từ đầu tháng 12/2013 đến nay chỉ có mưa rào vài nơi, lượng mưa không đáng kể. Tổng lượng mưa 6 tháng khu vực đồng bằng đạt 40 – 60 mm; Khu vực miền núi đạt 70 – 100 mm. Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm thấp hơn TBNN từ 130 – 150 mm. Trong tỉnh đã xảy ra tình trạng khô hạn nặng ở một số nơi không có nguồn nước từ các hồ chứa. Đáng chú ý, trong 2 tháng 5 va 6 đã xảy ra tổng cộng 36 ngày nắng nóng. Chế độ dòng chảy trên các sông suối mùa cạn năm 2014 ổn định, mực nước trên sông Cái Phan Rang tại trạm Tân Mỹ ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ; các suối nhỏ đã tắt dòng từ tháng 3, đặc biệt không xuất hiện lũ tiểu mãn theo thời lịch. Tình hình tổng dung tích hồ chứa trên toàn tỉnh tính đến đầu tháng 3 còn khoảng 40% cho đến nay giảm chỉ còn dưới 30% so với dung tích thiết kế.

Tại khu vực tỉnh ta, tình hình ít mưa khả năng còn kéo dài, cần chủ động có biện pháp phòng tránh hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm và điều tiết nguồn nước của các công trình hồ chứa hợp lý. Theo nhận định, tình hình thời tiết - thủy văn mùa mưa lũ năm 2014 có nhiều diễn biến phức tạp, cần đề phòng bão mạnh, lũ lớn ảnh hưởng trực tiếp; đề phòng lũ quét và sạt lở đất xảy ra trên các sông, suối nhỏ. Các cơ quan, ban ngành và nhân dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thuỷ văn, các bản tin cảnh báo, thông báo KTTV phục vụ sản xuất - đời sống và phòng tránh thiên tai trong mùa mưa lũ.