Thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ công bố Quyết định thành lập
Ban Tiếp công dân Trung ương. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đến dự.

Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2014. Hoạt động tiếp công dân đã được cụ thể hóa thành luật là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để Luật Tiếp công dân đi vào cuộc sống, ngày 14/7/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký Quyết định số 1616/QĐ-TTCP thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư quy định tại Điều 3, Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ.

 

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, Luật Tiếp công dân đã quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta, góp phần giải quyết những bất cập trong thực tiễn đang đặt ra về tiếp công dân; xây dựng cơ chế hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị; đề cao trách nhiệm của cơ quan tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp dân, gắn liền việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự ra đời của Ban Tiếp công dân Trung ương theo quy định Luật Tiếp công dân, đồng thời tin tưởng sự ra đời của Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ mang lại hiệu quả cao trong công tác tiếp công dân trong tình hình mới.

Để thi hành Luật Tiếp công dân và Ban Tiếp công dân hoạt động hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật Tiếp công dân, tạo hành lang pháp lý cho Ban Tiếp công dân Trung ương và các cấp hoạt động hiệu quả.

Định kỳ và đột xuất, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những khiếu nại, tố cáo của nhân dân; phân công rõ trách nhiệm và sự phối hợp của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong công tác tiếp công dân, bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực cho Ban Tiếp công dân với chủ đầu tư là Thanh tra Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị cán bộ được lựa chọn vào Ban Tiếp công dân phải là những người có tâm huyết, trình độ, có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng để công tác tiếp công dân thực sự có chuyển biến mới, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các cán bộ của Ban Tiếp công dân cần thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống, phẩm chất để xứng đáng là người đại diện cho các cơ quan Nhà nước trong tiếp công dân; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân, đồng thời tổ chức khoa học việc phân loại các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo; đôn đốc kiểm tra theo dõi đơn thư sau khi xử lý để công tác này ngày càng hiệu quả, nền nếp.

Nguồn www.chinhphu.vn