Đồng chí Lê Hồng Anh làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

Sáng 15/7, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội. Cùng tham dự có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Văn Bình và đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương.

Trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng: Trải qua hơn 11 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Nhà nước, từ năm 2003 đến nay, NHCSXH đã được Nhà nước cấp 10.000 tỷ đồng vốn Điều lệ (chiếm 7,4% tổng nguồn vốn) và 14.865 tỷ đồng (chiếm 11%) vốn bổ sung các chương trình mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch hàng năm. Ngoài ra, ngân sách các địa phương đã quan tâm, chuyển vốn ủy thác cho NHCSXH để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn với số tiền 3.770 tỷ đồng (chiếm 2,8%). Nguồn vốn còn lại (khoảng 75 - 80%) được huy động từ các kênh khác nhau như phát hành trái phiếu; nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước; vay từ kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước; huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên thị trường.

 

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trong 11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 266 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó trên 102 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3.236 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 5.766 nghìn công trình cung cấp nước sạch, gần 95 nghìn căn nhà vượt lũ, gần 484 nghìn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, đã thiết lập được mô hình tổ chức quản trị đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta; xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù, sáng tạo; xây dựng được bộ máy điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả.

Đến nay, đảng bộ có 20 tổ chức đảng với 368 đảng viên, tăng 13 tổ chức đảng và 328 đảng viên so với ngày đầu thành lập; toàn đảng bộ có 19 chi bộ và 1 đảng bộ cơ sở NHCSXH thành phố Hà Nội.

Tại buổi làm việc, đại diện NHCSXH và Bộ, ban, ngành đã nêu lên những khó khăn, tồn tại về cơ chế nguồn vốn, cơ chế tài chính và cơ chế tín dụng; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực toàn diện cho NHCSXH để thực hiện tốt vai trò là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề

Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại buổi làm việc.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Phát biểu kết luận, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, những thành tích xuất sắc và đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển hơn 11 năm qua.

Đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Bảo đảm an sinh xã hội nói chung, xóa đói, giảm nghèo nói riêng là chủ trương lớn, là sự nghiệp mà Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hàng đầu. Trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo đã được triển khai và mang lại những kết quả hết sức quan trọng. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia sớm thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Những thành tựu đó có đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhấn mạnh bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng khó khăn thách thức cũng rất lớn, đồng chí Lê Hồng Anh mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cùng với toàn Đảng, toàn dân, tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, nỗ lực, vươn lên nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, cùng với cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Đảng ta xác định là: phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, hoạt động đối ngoại ngày càng được mở rộng.

Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã liên tục giảm, nhưng số hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn tương đối lớn - khoảng trên 14% vào năm 2013; ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này còn cao hơn. Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo là hết sức mong manh nên nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở Việt Nam vẫn còn rất nặng nề và phải được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những tồn tại hiện nay, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 – 2020.

Về các kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị trên cơ sở kết quả tổng kết toàn diện Quyết định 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị chỉ đạo cấp ủy các cấp quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện tốt vai trò là công cụ thực hiện có hiệu qua chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước./.

Tổng dư nợ của NHCSXH đến 30/6/2014 đạt 126.666 tỷ đồng, gấp trên 18 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%. Hiện có gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng hơn 4 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập, với dư nợ bình quân hơn 18 triệu đồng/khách hàng (tăng hơn 15 triệu đồng/khách hàng). Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là gần 9,8 nghìn tỷ đồng với hơn 422 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam