Đề xuất thành lập cơ quan độc lập quản vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sáng 15/7, tiếp tục Phiên họp thứ 29, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Cần cụ thể hóa những lĩnh vực nhà nước sẽ đầu tư vốn

Thảo luận về dự án luật, phạm vi đầu tư và quản lý vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư là một trong những nội dung được các thành viên UBTVQH quan tâm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đây là nội dung đã được nhiều Đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhưng cơ quan soạn thảo vẫn đề xuất giữ nội dung như quy định của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, phạm vi đầu tư gồm: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Quy định như dự thảo luật quá rộng, nhà nước sẽ làm hết. “Nhà nước chỉ nên tập trung vào lĩnh vực gì mà tư nhân không làm được như đầu tư ở vùng sâu, vùng xa, lĩnh vực phát triển quốc phòng an ninh...” – Chủ nhiệm Phúc phát biểu.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng: Luật không nên nói chung chung và đề nghị Ban soạn thảo nên tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Giải thích thêm, ông cho hay, ngay cả trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, nhiều nước trên thế giới có xu hướng cho phép các doanh nghiệp ngoài doanh nghiệp của nhà nước tham gia.

Mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm. Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý DNNN. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Nếu lựa chọn theo phương án này thì Ủy ban Kinh tế kiến nghị: Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phát biểu.

Đồng ý với quan điểm Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng: Nếu giữ nguyên mô hình quản lý doanh nghiệp như hiện nay thì không có thay đổi và đây đang là vấn đề bức xúc. Theo ông, phải thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Tại sao phải làm? Vì đây là ngân sách, là tiền thuế của nhân dân. Quốc hội phải xác định “ông nào” đại diện để quản lý tất cả nguồn vốn trong các doanh nghiệp từ nguồn vốn ngân sách này, chứ chia ra mỗi bộ quản lý một tí, mỗi tỉnh một tí thì thiếu thống nhất, báo cáo khập khiễng” – Chủ nhiệm Ksor Phước phát biểu.

Tuy nhiên, trái ngược với các quan điểm trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu thành lập cơ quan quản lý ngành là thụt lùi. Doanh nghiệp “khổ” nhất là khi muốn đầu tư gì là phải “trình, bẩm”. Khi được thông qua quyết định đầu tư thì đã lỡ mất cơ hội.

Nhấn mạnh công tác quản lý của nhà nước đối với vốn phải có cải cách, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Phải có đơn vị đúng tầm để tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng đồng vốn. Bày tỏ chưa thỏa mãn với Điều 31 của dự thảo luật về đầu tư vốn của doanh nghiệp ra nước ngoài, Phó Chủ tịch nhận xét đây là một vấn đề lớn trong hội nhập quốc tế nhưng dự luật cũng như cơ quan thẩm tra chưa thấy nói đến việc bảo toàn vốn và ai sẽ chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra.

Quản chặt môi giới bất động sản

Cuối phiên họp sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Sự cần thiết phải hành nghề môi giới. Bởi kinh nghiệm các nước phát triển là quản rất chặt tổ chức và cá nhân tham gia môi giới bất động sản bởi hoạt động này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng mà còn người bán. Bộ trưởng ví dụ, ở Úc, người môi giới bất động sản phải là luật sư, có kinh nghiệm, uy tín mới được hành nghề.

Bộ trưởng bày tỏ, ở nước ta, hiện nay môi giới bất động sản diễn ra phổ biến nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Vì vậy cần thiết hành nghề môi giới bất động sản. Cũng theo Bộ trưởng, cấp chứng chỉ hành nghề có thể do Hiệp hội bất động sản Việt Nam cấp hoặc cơ quan nhà nước cấp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nên giao nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề bởi sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng, đồng thời loại bỏ được những người không đủ khả năng làm môi giới bất động sản.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng đề nghị: Cần quy định rõ hơn hoạt động môi giới, bởi hiện nay “cò đất, cò nhà thì nhiều nhưng ít người thực sự môi giới”. Cũng theo ông, nên giao cho Hiệp hội bất động sản Việt Nam tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Trong dự luật, quy định về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản cũng là một trong những vấn đề còn có ý kiến trái chiều.

Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua, đa số ý kiến tán thành với quy định vốn pháp định trong dự án Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không nên quy định mức vốn pháp định trong dự án Luật mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với từng thời kỳ; có ý kiến cho rằng mức vốn pháp định 50 tỷ là quá cao, rất khó thực hiện; đề nghị quy định mức vốn pháp định là 20 tỷ đồng trở lên.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trước phiên thảo luận sáng 15/7, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ủy ban Kinh tế xin ý kiến UBTVQH về nội dung này theo hướng giữ nguyên như dự thảo luật là không thấp hơn 50 tỷ đồng hoặc không thấp hơn 20 tỷ đồng hoặc không quy định cụ thể mức vốn pháp định trong dự thảo luật mà giao Chính phủ quy định cụ thể.

Giải trình trước UBTVQH Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Ủy ban Kinh tế cho rằng kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, khả năng quản lý, tạo lập phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh này. Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng như dự thảo Luật, tuy nhiên, cần phải khảo sát, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và thị trường thực tế hiện nay khi áp dụng quy định này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến thành viên UBTVQH khác đề nghị cần phải nói rõ căn cứ nào để quy định vốn pháp định tối thiểu là 50 tỷ đồng…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam