Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật

Chiều 14/7, tiếp tục Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

 

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Tại phiên họp, Báo cáo xin ý kiến UBTVQH một số vấn đề lớn về dự thảo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày tập trung vào một số nội dung lớn như: Tòa án thực hiện quyền tư pháp; Về cơ chế quản lý Tòa án nhân dân; Nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC)...

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp.

Đi vào những vấn đề cụ thể, góp ý về quyền tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị: Rà soát lại cho chính xác, không nên quá mở rộng quyền tư pháp như dự thảo Luật.

Về thành lập tòa án chuyên trách, ông đề nghị: Làm rõ có nên thành lập tất cả tòa án chuyên trách ở tất cả các tòa khu vực không? “Phải làm rõ tiêu chí, quy mô, yêu cầu của từng địa bàn nếu không sẽ rất phân tán lực lượng thẩm phán ở cấp huyện hiện nay” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý nêu ý kiến.

Về án lệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đồng tình với giải trình của Ủy ban Tư pháp về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC. Theo đó, ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật. Ngoài các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC còn có thể lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án khác để phát triển thành án lệ cho các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử, bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật. Như vậy, dự thảo Luật quy định: “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án phát triển thành án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Liên quan đến tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong hệ thống Tòa án nhân dân, các ý kiến tại phiên họp đều nhất trí thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực để thể chế hóa Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, tăng cường tính độc lập của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong xét xử, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ tránh dàn trải bình quân lãng phí. Như vậy, tổ chức Tòa án nhân dân gồm có 04 cấp (Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án sơ thẩm khu vực).

Về thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết Thường trực Ủy ban này đề nghị không thành lập Tòa giản lược trong Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình không lập Tòa giản lược. Theo bà, đối với những vụ án đơn giản thì xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc Tòa hành chính thực hiện nhiệm vụ này.

Cũng trong chiều 14/7, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam