Vấn đề hôm nay:

Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày lễ hội!

(NTO) Theo kế hoạch, từ ngày 17 đến 19-7 tỉnh ta sẽ tổ chức Lễ hội Nho và Vang quốc tế lần thứ nhất. Tuy nhiên, trước đó ngày 14-7 sẽ diễn ra một số hoạt động như mở Hội chợ Thương mại-Du lịch quốc tế với quy mô 100 gian hàng nhằm giới thiệu về nho, sản phẩm từ nho của các công ty sản xuất rượu nho “tên tuổi” của các quốc gia như Pháp, Chilê, Argentina, Australia, Đức,... “sánh vai” với các cơ sở, nông dân trồng nho trong tỉnh. Cũng trong ngày này tại khu vực diễn ra lễ hội (Hồ Điều hòa - Đường 16 Tháng 4, PR-TC) sẽ khai mạc triển lãm ảnh “Ninh Thuận - Một vùng đất quyến rũ” đã được phát động thi trước đó...

Theo dự kiến của ngành chức năng, trong những ngày diễn ra lễ hội sẽ thu hút một lượng du khách đáng kể trong và ngoài nước đến tỉnh ta để tham dự gắn với tham quan các danh lam, thắng cảnh, nghỉ dưỡng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên biển với không gian “đầy nắng và đầy gió” mà “tạo hóa” đã ban tặng cho tỉnh ta. Cùng với đó là thưởng thức các “món ngon, lạ” được xem là đặc sản đối với du khách.

Đây cũng chính là vấn đề đáng quan tâm nhất, đó là làm thế nào để bảo đảm cho được khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại tất cả các điểm bán từ nồi bánh canh vỉa hè dọc biển...đến các quán ăn, nhà hàng mà không gây ra hậu quả nào làm du khách phải than phiền, để rồi “tiếng dữ đồn xa” và “một đi không trở lại”!.

Khó có thể thống kê hết các hàng, quán bán… thực phẩm trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ bán dạo đến điểm bán cố định. Trong số những người bán này có gia đình “tự sản, tự tiêu” và cũng có nhiều người lấy hàng từ các cơ sở khác để bán cho nên khó có thể gọi bảo đảm chất lượng cả vệ sinh, cả về an toàn thực phẩm. Ngay cả thời tiết oi bức của những ngày hè này cũng góp phần làm cho thực phẩm mau hư so với “tiến độ” tiêu thụ! Và điều tất nhiên sẽ không ai muốn chịu lỗ nên sẽ sử dụng các “chiêu” làm mới lại để bán. “Vô phúc” khách hàng nào mua ăn phải sẽ nhận hậu quả thật khó lường.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những tiệm ăn biết giữ uy tín với khách hàng để ngày càng làm các món ăn phong phú hơn, ngon hơn thì ngược lại không ít người, cơ sở chỉ biết chạy theo lợi nhuận xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng bằng việc sử dụng các chất bảo quản không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng... để chế biến “đại trà” sau đó giao cho “hệ thống” chân rết đi tiêu thụ khắp nơi. Cơ quan chức năng không quản lý xuể, chính quyền địa phương thì đứng ngoài cuộc, người bán vô trách nhiệm, lương tâm... nên rất dễ dẫn đến nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà cụ thể là cho du khách trong mùa Lễ hội này.

Vì lòng hiếu khách và để tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách…cùng với thái độ thân thiện, thiết nghĩ cũng rất cần thực hiện tốt khâu bảo đảm cho được VSATTP. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý thích đáng những cá nhân, cơ sở vi phạm, thực hiện tốt theo tinh thần Chỉ thị 53-CT/TU ngày 6-6-2014 của Tỉnh ủy đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.