Vấn đề hôm nay:

“Đầu tư cho thanh niên”

(NTO) Ngày 11-7 hàng năm được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc chọn làm “Ngày Dân số thế giới” nhằm nhắc nhở các quốc gia và mỗi người sống trên trái đất về nguy cơ dân số tăng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khoẻ… Trên cơ sở đó, mỗi quốc gia, mỗi người tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng trong hành vi dân số mà tìm mọi biện pháp tích cực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.

Giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh trao đổi kỹ năng truyền thông SKSS cho học sinh.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ở nước ta, nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới cũng là nhằm nhắc nhở các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân có những hoạt động thiết thực để ra sức thực hiện các giải pháp và mục tiêu về dân số, không ngừng góp phần cùng Thế giới hạn chế sự gia tăng dân số đồng thời góp phần làm cho gia đình hạnh phúc và dân giàu, nước mạnh.

Ngày Dân số Thế giới 11-7 năm nay với chủ đề “Đầu tư cho thanh niên”, theo đó là các thông điệp liên quan trực tiếp tới sức khỏe sinh sản, đời sống tình dục, bảo vệ quyền lợi và đầu tư cho tương lai của các em. Thực tế cho thấy, thanh niên và vị thành niên là lứa tuổi nhạy cảm và đây là thời kỳ bắt đầu hoạt động tình dục nhưng đa phần lứa tuổi này lại không được cung cấp đầy đủ thông tin và tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Theo nhận xét của các chuyên gia DS-KHHGĐ, thực trạng nạo phá thai của cả nước nói chung khá cao, trung bình mỗi năm có khoảng 300 ngàn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó có 60-70% là học sinh, sinh viên... Đây quả là con số “không vui”, cho thấy một bộ phận không nhỏ vị thành niên và thanh niên còn hạn chế kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc, việc mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ nhỏ tuổi còn quá trẻ về thể chất và tinh thần. Do đó, nếu muốn giải quyết các vấn đề về dân số, ngăn chặn tử vong mẹ và bước vào đời thuận lợi, khỏe mạnh thì thanh - thiếu niên cần ý thức được tiếp cận tới các thông tin và dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Đối với tỉnh ta, theo thống kê chưa đầy đủ hằng năm có trên 13.000 vị thành niên, thanh niên ở tất cả 7 huyện, thành phố được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; khám SKSS cho hơn 6.400 lượt thanh niên. Ngoài ra, còn tổ chức giáo dục kỹ năng sống, làm mẹ an toàn, phòng tránh có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… cho học sinh các trường THCS, THPT… Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức và tạo được nhiều chuyển biến trong thanh- thiếu niên nhất là ở đối tượng học sinh, sinh viên trong tỉnh. Vấn đề cũng hết sức bức thiết hiện nay đó là việc làm cho thanh niên. Không ít thanh niên tuy đã được đào tạo nghề, tốt nghiệp đại học, cao đẳng… nhưng nhiều năm vẫn chưa tìm được việc làm thích hợp với nghề, ngành học, tạo nên sự lãng phí rất lớn về nguồn lực cho xã hội nói chung, đồng thời thiết thân nhất là các em khó ổn định cuộc sống.

Yêu cầu đặt ra là để “Đầu tư cho thanh niên” như chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11-7 năm nay, các cấp, ngành liên quan và địa phương trong tỉnh cần tăng cường thực hiện các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của thanh niên và vị thành niên, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các hoạt động đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện, bao gồm giới và quyền lợi là hết sức cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên, gia đình, cộng đồng… như Thông điệp đã xác định. Mặt khác, điều cũng không kém phần quan trọng đó là sự quan tâm chăm sóc, giáo dục, định hướng về lối sống, công việc…của chính từ tổ ấm gia đình qua đó tạo cho con em có đời sống lành mạnh và hữu ích cho cộng đồng, xã hội.