Đảng ủy xã An Hải: Lãnh đạo hiệu quả công tác dân vận

(NTO( An Hải (Ninh Phước) có dân số gần 15.000 người, là xã vừa có đồng bằng, vừa có biển với tổng diện tích tự nhiên 2.098,2 ha, trong đó có 1.400 ha đất nông nghiệp.

Đồng chí Trương Mai Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã An Hải cho biết: “Để phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, tạo chuyển biến về phát triển kinh tế-xã hội, huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ đã chú trọng lãnh đạo hiệu quả công tác dân vận, từng bước tháo gỡ các vấn đề nổi cộm do hoạt động khai thác khoáng sản, gây bức xúc trong dư luận nhân dân”.

 

Tưới tiết kiệm ở vùng rau an toàn An Hải.

Tháo gỡ vướng mắc

Là tổ chức cơ sở Đảng loại hình nông thôn, Đảng bộ xã An Hải có tổng số 139 đảng viên, hình thành 14 chi bộ, trong đó có 7 chi bộ trên địa bàn dân cư thôn. Ngay sau khi xảy ra sự kiện người dân các thôn Sơn Hải của xã Phước Dinh láng giềng tụ tập phản đối khai thác titan, Ban Thường vụ Đảng ủy xã An Hải đã chỉ đạo khối dân vận, Mặt trận; các ban, ngành, đoàn thể xã; các chi bộ, Ban quản lý thôn tăng cường nắm tình hình, vận động tuyên truyền, định hướng thông tin cho người dân trong xã. Hiện nay tại thôn Nam Cương có 8 ha đất được tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Khoáng sản Ninh Thuận khai thác titan và gần đây ở thôn Hòa Thạnh, vấn đề nhiễm mặn nước ngầm đang gây bức xúc trong nhân dân. Qua giải thích, bà con 3 thôn Nam Cương, Tuấn Tú, Hòa Thạnh hiểu rõ vụ việc đang được tỉnh, huyện giải quyết thấu đáo, đối với việc khai thác titan, mọi người cũng hài lòng khi biết không gây ảnh hưởng đến mạch nước ngầm và môi trường. Đặc biệt là tình trạng nhiễm mặn nước ngầm do khoan giếng phục vụ nuôi tôm giống, theo ông Nguyễn Minh Xoang, Trưởng thôn Hòa Thạnh, được chỉ đạo của cấp ủy xã, thôn, Ban Quản lý cùng các thành viên Ban công tác Mặt trận thôn đã vận động nhân dân kiềm chế, không gây mất trật tự tại địa phương và hầu hết đều tin tưởng vào sự giải quyết thỏa đáng của trên.

Tạo sự đồng thuận của người dân

Nhờ chú trọng tháo gỡ vướng mắc, bức xúc của nhân dân, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn duy trì ổn định, Đảng ủy xã An Hải lãnh đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đánh giá bước đầu của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Ninh Phước, dự kiến đến cuối năm nay, xã An Hải sẽ hoàn thành 10 tiêu chí. Đến An Hải dịp này, điểm nổi bật làm chúng tôi chú ý chính là vấn đề môi trường. Ngay trong quý I, An Hải đã tổ chức sắp xếp lại tổ thu gom, xử lý rác thải ở 7 thôn Long Bình 1, 2, An Thạnh 1, 2, Tuấn Tú, Hòa Thạnh, Nam Cương và khu vực trại tôm giống; đồng thời khảo sát, đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh tiếp tục mở rộng hệ thống nước sạch ở các khu dân cư. Đặc biệt Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã giao trách nhiệm thực hiện cho các thành viên tổ chức phối kết hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã và Ban quản lý 7 thôn vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt việc thu gom rác, nước thải, trồng cây xanh trong khu vực đường làng ngõ xóm. Đến nay đã có 3 tuyến của 7 thôn đăng ký thực hiện, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nhận thức vấn đề tăng thu nhập cho người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu, Đảng ủy xã An Hải xác định cần ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo định hướng từ nay đến năm 2020, An Hải tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình sản xuất rau an toàn Tuấn Tú, Nam Cương, tưới nước tiết kiệm và trồng cây măng tây xanh; đồng thời tập trung áp dụng kỹ thuật mới về trồng lúa và phát triển trồng nho, táo. Về rau an toàn, sẽ phát triển thêm tại thôn Hòa Thạnh, mở rộng diện tích vùng sản xuất rau sạch lên 230 ha. Về lúa, sẽ ứng dụng mô hình “ 1 phải, 5 giảm” trên diện tích 50 ha lúa tại các thôn Long Bình 1 và 2. Về nho, táo, vẫn duy trì diện tích 127 ha của toàn xã nhưng theo hướng phối hợp với các ngành của tỉnh, huyện xây dựng thương hiệu táo, nho an toàn. Mục tiêu chính là phấn đấu trong giai đoạn này, An Hải nâng mức thu nhập trung bình cho người dân từ 16 đến 23 triệu đồng/ người/ năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã và các chi bộ thôn tích cực vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đồng chí Trương Mai Lĩnh, qua công tác dân vận, An Hải tạo được sự đồng thuận của người dân không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà cả trong việc hưởng ứng khôi phục, nâng cấp làng nghề truyền thống (chiếu cói, bánh tráng). Nhờ đó đã góp phần chuyển dịch dần cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo tiền đề cho An Hải đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.