Luật Đầu tư (sửa đổi) cần có những quy định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 23/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Dự thảo Luật về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 chương, 84 điều. So với Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 4 điều, sửa đổi 31 điều, bổ sung 9 điều mới và bỏ 31 điều, trong đó sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, Luật bỏ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước vì nội dung này đã được quy định trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) một mặt cần hướng đến cải thiện môi trường đầu tư nhưng mặt khác cũng cần có những quy định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài, tránh đầu tư dàn trải.

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể, một số đại biểu băn khoăn về khái niệm nhà đầu tư nước ngoài tại khoản 3 Điều 3. Các đại biểu cho rằng, quy định căn cứ vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập, mức độ sở hữu, tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam là phù hợp. Tuy nhiên, với quy định về ngưỡng nắm giữ trên 51% vốn điều lệ mới coi là nhà đầu tư nước ngoài như Dự thảo có một số vấn đề cần lưu ý.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu ý kiến: “Với quy định tỷ lệ cao như vậy dễ tạo khe hở cho sự lạm dụng, lách luật của nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực còn hạn chế gia nhập thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì với quy định này nhà đầu tư nước ngoài qua một vài thủ đoạn, một vài bước góp vốn vào liên doanh liên kết đầu tư là vừa có tỷ lệ sở hữu cao về vốn điều lệ để có thể tác động quan trọng thậm chí chi phối trên thực tế đối với doanh nghiệp nhận vốn góp; vừa được phép kinh doanh và hưởng lợi từ các lĩnh vực mà pháp luật còn hạn chế hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài.”

Về thủ tục đầu tư ở Điều 42 và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Điều 44, điểm mới trong quy định của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) là bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án đầu tư, trừ những dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, lâu nay, còn xảy ra tình trạng cấp phép đầu tư tràn lan, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, như quy hoạch phát triển ngành xi măng, thép…gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, giảm hiệu quả dự án. Do đó, trong luật cần có quy định cụ thể, chặt chẽ để khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhất trí với quy định cơ chế phân cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 44 dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu Phong cho rằng, để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải phá vỡ quy hoạch làm giảm hiệu quả đầu tư dự thảo luật cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực được phân cấp đồng thời xem xét yêu cầu bổ sung thẩm tra của các Bộ, ngành trước khi cấp chứng nhận đăng ký đầu tư đối với một số dự án có quy mô lớn, có tác động liên ngành, liên vùng.

Liên quan đến ưu đãi đầu tư, một số đại biểu đề nghị, dự thảo cần bổ sung ưu đãi đầu tư với sản phẩm nội địa hóa 100% để từng bước hạn chế nhập khẩu, phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu của nước ngoài. Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), hiện nay chúng ta chưa thực sự có sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm công nghệ cao để xuất khẩu. Do đó, đây là nội dung quan trọng cần thể hiện trong luật để mục tiêu hướng tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, Luật cần có những quy định nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư vào khu vực biển đảo…Bên cạnh đó, cũng cần có những quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế của một số doanh nghiệp đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều đại biểu khuyến nghị “thiết kế Luật cẩn trọng để không chồng lên Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tạo ra những thủ tục kép và lấn sân các luật chuyên ngành”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ quan điểm: Quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đề nghị của nhà đầu tư (đối với các dự án không thuộc lĩnh vực cấm hoặc hạn chế đầu tư) là gián tiếp công nhận việc một số cơ quan nhà nước đòi hỏi vô lý, khi pháp luật không yêu cầu phải có giấy chứng nhận. Vì vậy, đại biểu Lộc kiến nghị, Luật cần quy định rõ việc không cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý không được đòi hỏi loại giấy này.

Về các quyền của nhà đầu tư, cách thể hiện theo kiểu liệt kê như dự thảo Luật được đại biểu Lộc coi là không phù hợp; lẽ ra nên theo hướng nhà đầu tư được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) đề nghị: Bổ sung một quyền quan trọng của nhà đầu tư: quyền chuyển đổi hình thức đầu tư.

Cũng trong sáng 23/6, với 91,16% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan (sửa đổi). Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam