Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng (sửa đổi) với 90,16% đại biểu tán thành. Luật có nhiều điểm mới quan trọng, nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, doanh nghiệp trong điều kiện các giao dịch dân sự, thương mại ngày càng đa dạng và phức tạp.

Luật gồm 10 chương, 81 điều quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 01/2015.

Một trong những điểm mới cơ bản của của Luật Công chứng (sửa đổi) là nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên thực hiện thay vì để các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch như trong 6 năm qua, nhằm tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chịu trách nhiệm trong công chứng bản dịch (khoản 1, Điều 2 và Điều 61).

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng, (sửa đổi) Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Quy định tại khoản 1, Điều 2 và Điều 61 của dự thảo Luật sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng bản dịch có công chứng, tránh việc khi phát hiện sai sót trong bản dịch thì người dân không biết phải tìm ai để yêu cầu bồi thường. Mặt khác, do phải chịu trách nhiệm toàn bộ trước người yêu cầu công chứng về bản dịch được công chứng, nên công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải hết sức cân nhắc khi lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ để có thể kiểm soát được chất lượng bản dịch. Khoản 1, Điều 61 của dự thảo Luật cũng đã quy định rõ, cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện; đây cũng là cơ sở để bảo đảm nâng cao trách nhiệm của người phiên dịch trong quá trình này.

Cũng trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Điều 10 quy định về người được miễn đào tạo nghề công chứng.

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp đã đưa ra hai phương án như sau:

Phương án 1: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng.

Phương án 2: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.

Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này còn chưa thống nhất cao. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả tổng hợp phiếu cho thấy, có 293/393 đại biểu Quốc hội (chiếm 74,6% số phiếu thu về và 58,8% tổng số đại biểu Quốc hội) đề nghị thực hiện theo phương án 1 là không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng trong Luật này; 85/393 đại biểu (chiếm 21,6% số phiếu thu về và 17% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành phương án 2. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng trong dự thảo Luật này. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.

Về người được miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10), có ý kiến đề nghị, cần quy định chặt chẽ hơn về phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng để bảo đảm chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm; bảo đảm trình độ tương đương giữa những người quy định tại điểm a và người quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 10; bổ sung công chức trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về công chứng...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này là phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng, khi số lượng công chứng viên còn ít và công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, còn nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng do những công chứng viên thuộc nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng thực hiện. Hiện tại, số lượng công chứng viên trên toàn quốc đã tăng lên rất nhiều, cùng với công tác đào tạo nghề công chứng ngày càng được chú trọng, chuyên sâu và bài bản hơn thì việc giới hạn lại phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng là cần thiết để bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm.

Do vậy, để bảo đảm tương đương về trình độ cũng như thời gian công tác thực tế giữa các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, giới hạn số lượng người được miễn đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 10 theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp).../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam