Quốc hội thông qua Luật Hải quan (sửa đổi)

Tiếp tục kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 23/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Với 91,16% số phiếu tán thành, Luật Hải quan (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

Luật Hải quan (sửa đổi) gồm 8 Chương, 104 Điều quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của hải quan.

Đối tượng áp dụng của Luật là tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; cơ quan hải quan, công chức hải quan; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; cơ quan khác của nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường và thông qua dự án Luật. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Một trong những điểm mới của Luật Hải quan (sửa đổi) lần này là đã bổ sung Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10 mới). Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan đối với công chức hải quan là gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan; Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế; Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hoá tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi; Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải, các hành vi bị cấm gồm: Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan; Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Gian lận thương mại, gian lận thuế; Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính; Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan; Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

Liên quan đến phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới (Điều 88), dự thảo Luật đã bổ sung quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng hải quan đối với các trường hợp vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới ở ngoài khu vực hải quan. Theo đó, trường hợp có căn cứ xác định hàng hoá buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam.

Trước khi thông qua Luật, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ: Về kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý hàng hóa tồn đọng (Điều 58), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 6 quy định chủ hàng hóa bên nhận đối với hàng gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cùng với quy định tại khoản 3 Điều này và các quy định tương ứng của Luật Bảo vệ môi trường, để bảo đảm tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật, điểm b khoản 6 Điều 58 của dự thảo Luật đã quy định cụ thể các chủ thể có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam bao gồm: chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền.

Về kiểm tra sau thông quan (Điều 77), có ý kiến cho rằng thời gian kiểm tra sau thông quan 5 năm là quá dài, có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ý kiến khác đề nghị quy định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với doanh nghiệp thuộc khoản 1 Điều 78; đối với doanh nghiệp thuộc khoản 2 Điều 78, thời hạn kiểm tra sau thông quan là 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, xuất phát từ việc thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, kiểm tra sau thông quan sẽ là khâu chủ yếu và có vai trò hết sức quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Vì vậy, việc xác định thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan là phù hợp với phương thức quản lý hải quan hiện đại cũng như năng lực thực hiện kiểm tra sau thông quan của tổ chức bộ máy hải quan. Với tinh thần đó, đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc áp dụng biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 89), có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số biện pháp nghiệp vụ mà hải quan đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua để tạo cơ sở pháp lý cho hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc liệt kê các biện pháp nghiệp vụ hải quan trong Luật sẽ không đầy đủ, vì vậy đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng bổ sung vào khoản 6 Điều 88 giao Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng các biện pháp kiểm soát hải quan quy định tại khoản 2 Điều 89 chưa thống nhất với giải thích khái niệm kiểm soát hải quan tại khoản 11 Điều 4. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại khoản 11 Điều 4, khoản 2 Điều 89 cho phù hợp./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam