Cảm ơn bé thơ- Truyện ngắn của Hồ Việt Khuê

Mỗi chiều nhạt nắng, tôi thường đạp xe lơ ngơ trên các đường phố, trôi chơi vơi bên dòng người, dòng xe, hàng quán. Tôi đạp xe chậm rãi, lơ đãng với tất cả, vẩn vơ với những suy nghĩ đến, đi bất chợt. Có khi đầu óc rỗng không, tôi mặc cho vòng bánh xe lăn. Và tôi thường trở về nhà ở ngoại ô vào lúc chạng vạng.

Đạp xe rong ngoài đường cho tôi cảm giác thời gian của một ngày không quá đằng đẵng, và ánh mắt không bị giam hãm trong căn phòng nhỏ bừa bãi của một kẻ độc thân. Để dỗ giấc ngủ sắp tới, bao giờ trước khi về tôi cũng mua một tờ báo, tờ tạp chí hay thuê một quyển tiểu thuyết.

Trên đường vắng từ phố huyện về nhà vào lúc mặt trời hấp háy những tia nắng yếu ớt, tôi thường gặp một bé gái trạc mười một mười hai tuổi. Bé mặc đồng phục của học sinh trong huyện: váy xanh, áo sơ mi trắng. Chiếc cặp trên lưng, đầu đội mũ vải mềm, bé cắm cúi bước nhanh, không để ý đến chung quanh. Trong bóng chiều nhá nhem, dáng bé nhỏ nhoi lủi thủi, cô độc, gây cho tôi nỗi xúc động mạnh.

Một hôm tôi rà xe bên bé:

- Cháu lên, chú chở về cho nhanh!

Bé vẫn rảo bước, nhìn tôi ngạc nhiên:

- Cháu cảm ơn chú, nhưng cháu đi bộ quen rồi.

Tôi thật lòng:

- Chú muốn làm quen với cháu mà!

Bé nhìn tôi cười hồn nhiên, nhưng không dừng chân. Thấy bé cương quyết, tôi xuống xe:

- Chú dắt xe đi với cháu cho có bạn nghe!

Bé lại nhoẻn cười. Khi bé cười, mắt bé cũng cười theo.

- Cháu ở đâu?

- Cháu ở xóm Mới.

Xóm Mới cách nhà tôi non cây số. Như thế, đôi chân chim non phải vượt bốn cây số từ trường về nhà.

Hôm sau, gặp bé trên đường về, tôi nhắc lại đề nghị.

- Cháu kể chuyện cho mẹ nghe, mẹ bảo cháu coi chừng…mẹ mìn.

- Thế cháu thấy chú giống mẹ mìn không?

Bé lúc lắc đầu:

- Không đâu.

- Không phải mẹ mìn thì cháu sợ gì mà không lên xe?

Bé ngoan ngoãn ngồi sau xe. Tôi nhắc bé vịn cẩn thận và đạp chậm rãi. Khi về tới gần xóm Mới thì bé xin xuống, vì bé sợ mẹ biết chuyện.

Mấy ngày sau, bé cho phép tôi chở bé về đến tận nhà.

- Cháu xin phép mẹ rồi, mẹ bảo mời chú đến nhà chơi.

Nhà bé là một quán cà phê bình dân. Chỉ có hai mẹ con. Có lần bé cho tôi biết ba bé đã mất, nên tôi không ngạc nhiên khi nhận biết một nỗi buồn sâu lắng trong đôi mắt đẹp của người góa phụ ngoài ba mươi đó.

Chú cháu tôi nhanh chóng thân nhau. Bé quấn quýt tôi lắm. Tan trường, bé chạy đến bên tôi, ríu rít kể chuyện trong lớp học. Có lần, tôi đứng khuất, bé nhìn dao dác, thất vọng:

- Bạn cháu, đứa nào cũng có người đưa đón cả.

Tôi nghĩ đến con đường trưa nắng chang chang bé đến lớp. Tôi tập bé đi xe đạp, tự hứa sẽ tặng bé một chiếc xe đạp mini khi tôi đã tìm được việc làm, mong xóa nhòa khỏi tâm trí mình hình ảnh đơn độc của bé trên đường vắng, một bên là ruộng lúa, một bên là vườn cây sum suê với những mái ngói rải rác ẩn sâu bên trong.

Vào một buổi chiều chủ nhật sau đó không lâu, tôi đến xin phép mẹ cháu đưa cháu đi chơi. Tôi đưa cháu đến công viên nhỏ bên bến phà. Chúng tôi chọn một băng đá dưới gốc dừa, ngồi nhìn mặt sông đậm nhạt từng mảng nắng chiều, thỉnh thoảng những chiếc phà lầm lũi qua lại làn sóng vờn nắng duềnh lên. Bé nghịch với những tép lá dừa, tước bỏ cọng, chỉ giữ lại những mẩu lá thanh mảnh.

- Mẹ kể ngày xưa ba đi trên con tàu lớn hơn con tàu này…

Mắt bé nhìn xa xăm. Tôi mường tượng bé nhìn xa hơn con sông có những chiếc phà nối hai bờ kia. Chắc chắn bé đã từng đau đáu nhìn tít tận biển khơi, nơi có con tàu của ba bé bị sóng nhồi, trong nhiều đêm, trước khi giấc ngủ trẻ thơ kịp tới.

Tôi làm một chiếc đồng hồ bằng lá dừa đeo vào tay bé. Bé dùng bút bi vẽ nguệch ngoạc những con số và kim dài, ngắn. Tôi còn làm cho bé một cái chong chóng năm cánh. Bé thích thú cho chong chóng quay tít mù trong gió, nhưng bé không quên kể tiếp cho tôi nghe câu chuyện về ba bé.

- Rồi một lần tàu ba ra đảo. Ba hy sinh.

Tôi ôm bờ vai nhỏ nhắn của bé, cảm nhận một nỗi cô đơn, như tôi từng cảm nhận trong những ánh mắt trẻ thơ bất hạnh trên những nẻo đường chiến tranh đã đi qua.

Bé lắc cánh tay tôi, chỉ theo hướng khóm lục bình trôi.

- Ngoại cháu ở tít dưới đó, đi đò nửa ngày mới tới nơi. Mẹ bận mua bán, lâu lắm chưa đưa cháu về thăm.

Tiếng gió nhẹ phớt qua tàu lá dừa rủ thấp, tôi nghe như có tiếng thở dài của bé. Tôi nhìn bé chăm chú, chợt nhận ra bé già dặn rất nhiều.

Bé lại lắc cánh tay tôi.

- Chú đã đi Hải Phòng chưa?

- Chưa.

- Cháu cũng chưa. Nội cháu ở ngoài đó.

Màu xanh trên mặt sông lặng lẽ tiến dần về phía chú cháu tôi. Tôi mua cho bé một cốc kem. Nhìn bé ăn ngon lành từng thìa kem, tôi thấy vương vất những gợn mây đen trên vòm trời tuổi thơ của bé. Những gợn mây đến từ phía con tàu của ba bé ra đi, từ những nơi xa xôi của người thân bé cư ngụ bay về, từ trong nỗi đau buồn của mẹ bé.

Mỗi chiều, tôi chở bé về, chị mời tôi vào nhà uống cà phê. Bé cũng nài nỉ nhưng có khi tôi vào, khi không. Mỗi lần ngồi trò chuyện với chị, tôi chú ý đến bức tranh treo trang trọng giữa nhà, trên tường ngăn quán cà phê và nhà sau. Bức tranh vẽ một chiếc tàu chiến hướng về một hòn đảo nhỏ mờ khuất trong sóng nước mịt mùng.

Thấy tôi chú ý nhiều, chị giới thiệu:

- Tranh chồng tôi vẽ đó, trước ngày anh ra khơi chuyến cuối cùng.

Từ ngày làm bạn với bé, tôi không đạp xe lơ ngơ như trước. Tôi đến thẳng trường đón bé, thỉnh thoảng đưa bé đi xem phim, dạy bé học thêm trong căn phòng nhỏ của tôi, chuẩn bị cho bé lên cấp hai trong năm học mới sắp tới. Còn bé dạy tôi đời sống thú vị hơn mà tôi tìm kiếm không ở nơi cao xa nào. Tôi vui vì sự tin cậy trong nụ cười trong trẻo của bé, cũng như trong ánh mắt ấm áp, dịu dàng của mẹ bé dành cho tôi.