Thật như… đùa!

(NTO) Anh bạn tôi có con dự thi vào lớp đầu cấp THPT năm học tới, cho nên hổm rày rất tất bật, nào là nhắc nhở con ôn tập, tìm hiểu các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như của tỉnh về các chế độ quy định như ưu tiên xét tuyển không qua thi, ưu tiên cộng điểm…

Tôi hơi ngạc nhiên bởi sự lo có phần “thái quá” của anh: - Việc gì mà ông “nghiêm trọng” như đưa con đi thi đại học vậy ? Tôi nửa đùa, nửa thật. Anh bạn tôi cười xòa: - Thì cũng phải quan tâm chu đáo chớ !. Mấy đứa nhỏ bây giờ chỉ biết học, còn mọi chuyện ỷ lại vào cha mẹ, chứ đâu như anh em mình ngày xưa vừa học, vừa phải lao động và vừa tự lo cho chuyện học hành. Hơn nữa, tôi cũng là thương binh nên tìm hiểu thử chính sách năm nay có gì mới!. Vậy ông tìm được hướng dẫn nào mới không ? Tôi hỏi lại. Anh tỏ ra băn khoăn: - Mới thì có nhưng hơi… lạ ! Quy định như “ông Bộ” làm sao nhân dân, ngành giáo dục địa phương vận dụng thực hiện được.

Các em học sinh dự thi vào lớp 10 của Trường THPT Chu Văn An năm học 2013- 2014.
Ảnh: Sơn Ngọc

Hóa ra điều anh muốn nói đó là Thông tư 18/2014/TT-BGDĐT ngày 26-5-2014 bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đã được ban hành tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18-4-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, có thêm 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh các lớp đầu cấp THCS và THPT gồm: “Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”; “Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945” và “Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”.

Mới xem qua, thì cảm nhận rằng năm nay Bộ GD và ĐT đã rất “chu đáo” không để sót đối tượng được hưởng các chế độ ưu tiên, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Thế nhưng ngẫm lại thì xét về độ tuổi theo thời gian cống hiến của cha mẹ học sinh được hưởng thì e là quá khó vì tính ra nếu “học sinh” có cha mẹ được quy định thêm tại Thông tư 18 thì đến năm học tới trẻ cũng đến tuổi 50, còn hơn chút nữa thì nằm ở độ tuổi 60 hoặc cao niên hơn. Điều này càng mâu thuẫn với quy chế thi tốt nghiệp THPT, đó là học sinh ở bậc học này không quá 21 tuổi trừ một số trường hợp cá biệt không phải là học sinh chính quy. Vậy thì đưa 3 nhóm đối tượng ưu tiên nói trên vào Thông tư 18 để làm gì, nếu không muốn nói là quá xa rời thực tế cuộc sống và “đánh đố” xã hội, làm khó cho ngành giáo dục sở tại.

Thật ra, đây cũng không phải là lần đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư có tính “tréo hèo” như đã nói trên. Mong rằng trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo quyết liệt đổi mới, cải cách để nâng tầm sự nghiệp giáo dục nước nhà, đồng thời tránh những văn bản mà khi ban hành không sao thực hiện được !.