Sau 1 tháng kiểm tra tải trọng xe: Nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ

(NTO) Sau một tháng đưa Trạm kiểm tra tải trọng xe đi vào hoạt động, tình trạng xe chở quá tải lưu hành trên Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh ta đã giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình kiểm tra tải trọng cần sớm được tháo gỡ để phát huy tính hiệu quả.

Thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe trên tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh ta, sau 1 tháng hoạt động, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.050 lượt xe, lập biên bản 296 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 170 trường hợp với số tiền trên 1 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn 163 trường hợp, buộc 55 xe phải hạ tải với khối lượng trên 372 tấn hàng hóa.

Kiểm tra tải trọng xe tại trạm kiểm tra tải trọng lưu động Thuận Bắc.

Tuy nhiên do không có điều kiện về kho, bãi để bảo quản, chứa hàng nên nhiều trường hợp xe chở hàng đông lạnh, chất lỏng, hàng nông sản tươi sống, hàng có niêm phong... thì lực lượng chức năng đành phải xử phạt rồi buộc làm cam kết đối với chủ xe trước khi cho đi chứ không thể buộc hạ tải theo quy định.

Cũng vì khó khăn trên mà không ít chủ hàng, lái xe khi chở loại hàng này tìm mọi cách để qua trạm như trốn tại các cây xăng, quán ăn cách trạm 1-2 km chờ thời điểm giao ca, đêm tối để “lọt trạm”. Có trường hợp, khi phát hiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, buộc CSGT phải đuổi theo yêu cầu quay lại trạm để kiểm tra tải trọng. Khi được hỏi, các lái xe này biện minh rằng: Dù biết vượt trạm là vi phạm, nhưng xe chở hàng tươi sống cần phải đi ngay không hư hỏng, vi phạm hợp đồng với chủ hàng.

Theo lực lượng chức năng tại trạm, lượng xe tải nhỏ chở quá tải vi phạm nhiều hơn so với xe tải lớn. Lái xe tải nhỏ thường lợi dụng núp sau dòng xe tải lớn để qua trạm. Nếu lực lượng chức năng không chú ý quan sát, rất khó phát hiện để yêu cầu dừng xe kiểm tra.

Không chỉ lợi dụng thời điểm qua trạm, một số lái xe còn móc nối với một số đối tượng “cò” thường xuất hiện tại cây xăng, quán ăn làm dịch vụ dẫn đường đi vòng “né” trạm hoặc báo tin thời điểm lực lượng giao ca, nghỉ ăn cơm để xe qua trạm. Đến khi lực lượng chức năng phát hiện, nhắc nhở, buộc phải cam kết không tái phạm, tình trạng này mới được ngăn chặn.

Qua tìm hiểu thực tế tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, do yêu cầu việc kiểm tra 24/24 giờ trong ngày trong khi đó lực lượng được bố trí còn “mỏng”, kinh phí hoạt động của Trạm chưa được bố trí nên trạm đã gặp không ít khó khăn; thiếu kinh phí để lắp bổ sung đèn đường quan sát, chi phí nhân công và phương tiện san ủi mặt bằng, gia cố bàn cân; nhất là chi phí ăn, nghỉ, đi lại cho anh em trực tiếp làm nhiệm vụ...

Theo phản ảnh từ một số lái xe, việc cân tải trọng xe trong toàn quốc chưa thực sự thống nhất nên kết quả giữa các trạm còn chênh lệch. Mặt khác, do tỉnh nào cũng yêu cầu dừng xe để cân nên mất rất nhiều thời gian của lái xe. Theo cấu tạo, thiết bị kiểm tra tải trọng chỉ cân được một chiều nên xe tải đi chiều ngược lại phải quay đầu khá khó khăn, nguy hiểm. Tại tỉnh ta, có tình trạng cùng một phương tiện nhưng khi lái xe đề nghị cho cân lại lần 2 (cùng hình thức cân) thì kết quả hiển thị trên phiếu cân không trùng nhau.

Ông Nguyễn Văn Mộc, Phó Chánh Thanh tra giao thông, kiêm Trưởng Trạm kiểm tra tải trọng lưu động cho biết: Để duy trì tốt việc kiểm tra tải trọng xe tại trạm, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không chấp hành việc cân tải trọng. Mặt khác, kiến nghị Tổng cục Đường bộ cho phương án thống nhất trong việc cân tải trọng xe trên toàn quốc để hạn chế sự chênh lệch, sai số, tạo sự thuận lợi trong quá trình kiểm tra đối với các chủ phương tiện. Kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí để duy trì hoạt động và cải thiện điều kiện làm việc của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.