Tiềm năng “gió” đang được khai thác

(NTO) Với địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và được bao bọc bởi 3 mặt núi: Phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi cao chạy sát ra biển; phía Tây là vùng núi cao giáp với tỉnh Lâm Đồng, đã tạo cho Ninh Thuận có một khí hậu khác biệt, được đánh giá là nơi có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió lớn nhất của cả nước.

Đánh thức tiềm năng

Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ) lập theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, tỉnh ta có 14 vùng gió tiềm năng trên diện tích 8.000 ha. Các vùng gió tập trung chủ yếu ở các huyện: Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và một phần của huyện Bác Ái. Đặc biệt, ở độ cao 65m mật độ gió từ 400-500W/m2, cao nhất khu vực phía Nam. Tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m), còn trên các đỉnh núi tốc độ gió trung bình lên đến 8 – 8,5m/s và thổi đều trong suốt 10 tháng đảm bảo ổn định cho các tuabin gió phát điện. Dựa trên thế mạnh này, hiện nay tỉnh ta đã lập Quy hoạch chi tiết về phát triển điện gió giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23-4-2013, với tham vọng đến năm 2020 công suất lắp đặt tích lũy đạt khoảng 220MW, sản lượng điện gió tương ứng đạt 482kWh.

 
Lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công Nhà máy Điện gió Công Hải 1.

Anh Đạo Văn Rớt, Trưởng Phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương, cho biết: Để hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch, thời gian qua tỉnh ta đã triển khai kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư để đẩy nhanh việc xây dựng dự án các nhà máy điện gió ở những khu vực đã được quy hoạch và thực tế đã có không ít nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm đến để khảo sát, đặt vấn đề về việc đầu tư, khai thác năng lượng điện gió. Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án, với tổng công suất 674,5 MW và chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án điện gió khác, với tổng công suất dự kiến khoảng 840 MW.

Với sự nỗ lực của tỉnh và các nhà đầu tư, ngày 19-5 vừa qua, tại thôn Suối Giếng (xã Công Hải, Thuận Bắc) dự án Nhà máy Điện gió Công Hải 1 đã chính thức được khởi công trước sự chứng kiến và niềm hân hoan của người dân địa phương. Đây là dự án sử dụng công nghệ mới của Liên bang Nga về tua-bin gió (YnS-W), do Tổng Công ty Phát điện 2 phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh điện lực TP.Hồ Chí Minh và Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư, có tổng vốn trên 1.500 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn để thực hiện. Trong đó: Giai đoạn 1 có tổng vốn trên 191 tỷ đồng, với 3 tổ máy, có công suất 3MW (mỗi tổ máy 1MW) nằm trên diện tích rộng 20 ha. Hiện tại, các tổ máy đang được chế tạo tại Liên bang Nga, vào tháng 9 tới sẽ vận chuyển về Việt Nam để lắp đặt tại vị trí triển khai dự án. Điều đó cho thấy tiềm năng của Ninh Thuận đang được đánh thức và dần trở thành hiện thực.

 
Ảnh minh họa.

Háo hức chờ cánh quạt quay

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư lại dám bỏ ra nguồn vốn lớn như thế để xây dựng Nhà máy điện gió Công Hải 1. Rõ ràng về lâu dài, các doanh nghiệp đã nhận ra vùng đất quanh năm gió chướng thổi tung bụi mù này sẽ là “kho vàng” khi tiềm năng được khai thác đúng mức. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 2 cho rằng: Với lợi thế nằm trải dọc phía Tây ngọn núi Chúa, cánh đồng cây Đa là cửa ngõ tốt nhất để chọn đặt các guồng tuabin cánh quạt hiện đại nhằm “thu gom” những cơn gió thổi từ hướng Cam Ranh (Khánh Hòa) vào phục vụ thiết thực cho đời sống con người. Dự kiến đến tháng 2 - 2015, khi dự án hoàn thành giai đoạn 1 sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 25 tổ máy có tổng công suất 37,5MW trên tổng diện tích hơn 180ha.

Ngoài Dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1 đã được khởi công, hiện nay Dự án Nhà máy điện gió Mũi Dinh, công suốt 32 MW, tổng vốn đầu tư 1.472 tỷ đồng cũng đang được nhà đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến vào đầu quý I-2015 dự án này sẽ khởi công xây dựng và đến quý III-2015 sẽ đưa vào vận hành thương mại. Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nguyên nhân các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh chưa thể đẩy nhanh tiến độ là có nhiều lý do như: Giá thành suất đầu tư điện gió khá cao, trong khi đó giá bán điện còn thấp chỉ 7,8 cent/kWh nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án như: Điện gió An Phong, Phước Hải đang có diện tích đất chồng lấn với diện tích của dự án khai thác Titan. Một số dự án khác thì do chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính nên cố kéo dài thời gian để tìm kiếm đối tác…

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió, ngoài việc thực hiện chính sách ưu đãi như: Miễn tiền thuê đất 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, hiện nay tỉnh ta còn đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung chính sách trong việc điều chỉnh giá mua điện gió một cách phù hợp, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình năng lượng sạch này. Hy vong rằng, trong tương lai không xa, mục tiêu Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước sẽ thành hiện thực.