Quê hương nối những nhịp cầu

(NTO) Sau những năm giải phóng, nhất là sau khi tái lập tỉnh (1992), hạ tầng giao thông Ninh Thuận có nhiều thay đổi, trong đó phải kể đến là sự xuất hiện của những cây cầu hiện đại, hoành tráng. Đó là những cây cầu của khát vọng, của niềm tin trên con đường đổi mới.

Ngược đường về Bác Ái. Chạy xe bon bon trên các tuyến Quốc lộ 27B, những tuyến đường liên huyện, liên xã của Bác Ái, chúng tôi ghi nhận được đổi thay và phát triển đi lên ở huyện miền núi này. Những cây cầu tạm bắc qua sông, qua suối một thời đã được thay bằng những cây cầu bê tông vững chắc.

 
Trên công trường thi công cầu Ninh Chử.

Còn nhớ, trước năm 1992, cây cầu sắt bắc tạm qua sông Cái (nay là cầu Quảng Ninh) là điểm nối duy nhất giữa huyện miền núi Bác Ái với các địa phương trong tỉnh. Mùa nắng đã vất vả, còn về mùa mưa lũ, nước sông đổ về, chia cắt Bác Ái với vùng xuôi. Ao ước ngàn đời của người dân Bác Ái có một cây cầu vững chãi bắc qua sông Cái để giao thương, đi lại thuận tiện. Phải đến năm 2000, cùng với khởi công nâng cấp tuyến Quốc lộ 27B, cầu Quảng Ninh được khởi công xây dựng. Nói sao hết niềm vui trong ngày khánh thành cây cầu (năm 2003), hàng ngàn người dân Bác Ái đổ về chung vui. Ông Chamaléa Tiếp, nguyên Bí thư Huyện uỷ Bác Ái, vui mừng: Đây là con đường giao thông huyết mạch của huyện. với cây cầu vững chắc này, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông cho gần 80% dân số trong huyện, đặc biệt là người dân an tâm khi mùa mưa lũ đến, tạo động lực cho phát triển kinh tế của huyện.

Từ Bác Ái, xuôi về Ninh Hải, từ trên cầu Tri Thuỷ nhìn ra cửa biển Ninh Chử, những trụ cầu, dầm cầu bê tông cốt thép sừng sững của Dự án cầu Ninh Chữ đang vươn ra nối liền bờ Bắc bờ Nam cảng Ninh Chử. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Ninh Chử 2, thị trấn Khánh Hải phấn khởi: Cầu được khởi công năm 2009, Khi hoàn thành, chắc chắn cả vùng Ninh Hải có thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế... Theo ông Hùng, cây cầu đang bước vào giai đoạn thi công nước rút với phần khoan các trụ giữa rạch cảng. Tất cả những bước phát triển của dự án đều được ông và nhiều người dân hai bên bờ cảng Ninh Chử theo dõi những mong cây cầu lớn mọc lên như cánh tay rộng mở, nối nhịp bờ vui cho ước mơ và khát vọng, cho quê hương đổi thay, phát triển. Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải, cho biết, cầu Ninh Chử xây dựng xong sẽ tạo thêm điều kiện, góp phần thúc đẩy phát triển cụm du lịch liên hoàn Bình Sơn - Ninh Chử (Phan Rang- Tháp Chàm) với khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy-Bình Tiên- Vườn quốc gia Núi Chúa và cụm công nghiệp Tri Hải của Ninh Hải. Trong đó, Khu du lịch Vĩnh Hy - Bình Tiên hiện đang được nhà đầu tư ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trong vòng hai năm tới.

Từ Ninh Hải chạy theo tuyến đường ven biển về cuối Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nối với huyện Ninh Phước. Vốn là nơi ít sôi động, nhưng hơn một năm qua, không khí, cuộc sống nơi đây trở nên rộn ràng với thi công xây dựng cầu An Đông. Theo quy hoạch, tổng quỹ đất sẽ được “đánh thức” sau khi tuyến đường ven biển hoàn thành là trên 8.700ha. Nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Ninh Thuận hy vọng con đường ven biển được hình thành sẽ kết nối nhiều khu du lịch với nhau, tạo ra thế khai thác liên hoàn, dễ dàng thu hút và giúp du khách thưởng ngoạn được vẻ đẹp còn nhiều hoang sơ của vùng đất ven biển Ninh Thuận. Cầu An Đông sẽ là điểm nhấn cho dự án tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.327 tỷ đồng. Cầu An Đông bắc qua sông Dinh, thuộc dự án đường ven biển tỉnh, nối thông xã An Hải (Ninh Phước) và phường Đông Hải (Phan Rang - Tháp Chàm) có tổng chiều dài 3.526m, trong đó chiều dài đường dẫn 2 đầu là 2.507,5m, phần cầu là 1.018,5m; bề rộng mặt đường 27m. Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Ninh Thuận, phá thế chia cắt và kết nối trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị của tỉnh là Tp.Phan Rang-Tháp Chàm với khu vực phát triển trong tương lai của huyện Ninh Phước và Thuận Nam; tạo các chuỗi liên kết du lịch trong tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ; hình thành toàn bộ tuyến đường ven biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển theo chiến lược biển của Trung ương và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, còn phục vụ việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, sắp xếp dân cư ven biển, phòng tránh trú bão, giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an sinh của nhân dân ven biển và đặc biệt là phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biển đảo của tỉnh và khu vực.

Có thể nói, sau 22 năm tái lập, tỉnh ta đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông, một lĩnh vực quan trọng trong đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ không chỉ tăng thêm năng lực vận tải mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, những cây cầu không chỉ dừng lại ở việc lưu thông, đi lại mà nó còn có ý nghĩa dân sinh rất lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.