Chiến thắng của sức mạnh Việt Nam

Để thiết thực kỷ niệm 60 năm Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, sáng ngày 20/3/2014, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh Điện Biên, đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp nhà nước với chủ đề: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Điện Biên đồng tổ chức...

Quân Pháp bị vây hãm trong chiến hào trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cũng như phát biểu khai mạc hội thảo của Thượng tướng Nguyễn Thành Cung - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - hơn 60 tham luận của các đại biểu tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh. Quả thực với “độ lùi” thời gian 60 năm qua, chúng ta càng nhận ra rằng bên cạnh những ý nghĩa sâu xa về quân sự, chính trị, xã hội, ngoại giao... Chiến thắng Điện Biên Phủ được giới nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế, đánh giá là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, tập hợp rộng rãi các thành phần xã hội, các lực lượng cách mạng, các giới quốc dân đồng bào với tinh thần đã là người Việt Nam thì phải anh dũng đứng lên khi đất nước bị xâm lăng. Hơn bao giờ hết, Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là sự kết tinh vĩ đại, thiêng liêng và kỳ diệu của sức mạnh đại đoàn kết dựng nước và giữ nước ấy.

Trước khi trận Điện Biên Phủ khai hoả, giới chức quân sự và các chính khách trong Chính phủ Pháp và đồng minh Mỹ, từng nhiều lần tới thăm và kiểm tra việc bố phòng ở Điện Biên. Tất cả đều tỏ rõ sự hài lòng, nhất trí đánh giá đó là một “pháo đài bất khả xâm phạm”, rằng “đó là giải pháp để thắng”. Bộ Tham mưu Pháp ở Hà Nội thì nhận xét một cách lạc quan: “Làm cho Việt Minh tiến xuống lòng chảo, đó là ước mơ của Đờcát”. Còn Đờcát, bằng thái độ ngạo mạn, vào đúng ngày Tết Giáp Ngọ 1954, y đã cho thả truyền đơn với nội dung: “Gửi ngài Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Nghe tin ngài mang nhiều sư đoàn lên đây để giao chiến và định vào ăn Tết ở Điện Biên. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp ngài”...

Nhưng rồi, tất cả mọi cố gắng liên tục, cao nhất và cuối cùng của Pháp trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và ngoại giao, rốt cuộc, chỉ đem lại cho chúng trận thua lớn nhất trong lịch sử mấy trăm năm của một đội quân xâm lược nhà nghề. Vào hồi 13 giờ 42 phút ngày 8/5/1954, từ Sài Gòn (Việt Nam), một bức điện với ba dòng chữ ngắn ngủi được chuyển tới Pari (Pháp). Như một tiếng sét kinh hoàng, nội dung bức điện làm chấn động toàn nước Pháp. Ngay ngày hôm ấy - theo lệnh của Thủ tướng Lanien - toàn nước Pháp để tang Điện Biên Phủ bằng cách treo cờ rủ ở các công sở, các khu công cộng, các trại lính... Nội dung bức điện thông báo tập đoàn cứ điểm thất thủ ở Điện Biên Phủ, là một đòn choáng váng đánh thẳng vào lòng kiêu ngạo thực dân, khiến Tổng thống Pháp phải ôm mặt bật khóc.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến cuộc đông xuân 1953-1954 với trận Điện Biên Phủ lẫy lừng, chúng ta đã buộc nước Pháp lần lượt thay 18 Chính phủ, 6 đời Cao uỷ và 7 đời Tổng tư lệnh. Song, trên thực tế, cái giá chiến tranh mà nước Pháp phải trả còn lớn hơn nhiều, nó vượt ra ngoài lãnh thổ nước Pháp và vượt ra cả bên ngoài biên giới châu Âu. Hình ảnh một nước Pháp giàu tiền của và nhiều súng đạn, đã không còn đe doạ nổi các dân tộc bị áp bức trên con đường đấu tranh vũ trang tự giải phóng cho mình. Thực ra, trong lịch sử chiến tranh thế giới, có không ít cuộc bao vây mà thời gian còn dài hơn trận Điện Biên Phủ nhiều lần.

Các Cựu Chiến binh Việt Nam trả lời báo chí tại Hội thảo:
“Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” được Bộ Quốc phòng
tổ chức tại Điện Biên. Ảnh: K.C

Về quân số, trận Điện Biên Phủ có số quân tham chiến của cả hai bên cũng không phải quá nhiều. Tuy nhiên, trận Điện Biên Phủ vẫn được giới sử học thế giới xếp vào bộ sách: “Những trận đánh lớn trong lịch sử thế giới”, do nhà sử học Mỹ nổi tiếng Hanxơn Banđuyn đề xuất. Thất bại ở Điện Biên Phủ, ngoài ý nghĩa quân sự và ngoại giao, nó còn gây ra một hiện tượng xã hội là chia rẽ gay gắt nội bộ chính dư luận nước Pháp. Đến mức, có một thời kỳ Chính phủ Pháp phải thành lập một uỷ ban đặc biệt, chuyên điều tra về các vấn đề “hậu Điện Biên Phủ”. Đến mức giữa Nava (Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương) và Cônhi (Tư lệnh Pháp ở miền Bắc Việt Nam), thường xuyên xảy ra những cuộc cãi vã, phỉ báng và đổ lỗi cho nhau. Về sau, hai kẻ thất trận này đã đưa nhau ra toà, đòi bồi thường cái gọi là “danh dự” cho mình.

Nhà báo Úc tên là UBớcsét từng viết trong cuốn “Bắc vĩ tuyến 17”, đại ý: Sau khi tướng Đờcát và Bộ tham mưu giơ tay đầu hàng ở Điện Biên Phủ, thì lập tức cả thế giới đổ dồn sự quan tâm vào một thị trấn lịch sử Giơnevơ bên hồ Lêman. Tại đó, vấn đề Đông Dương sẽ được quyết định trong nay mai. Riêng với nước Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ có một tác động sâu sắc nhiều mặt, các thế lực phản động hiếu chiến bị cô lập thảm hại. Cả nước Pháp sôi sục biểu tình, đòi nhà cầm quyền phải ngay lập tức chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược tội lỗi và phi nghĩa, chống lại nhân dân ba nước Đông Dương. Ngày 11/5/1954, Chính phủ Pháp đã nhóm họp một phiên họp bi thảm nhất trong lịch sử Quốc hội Pháp, kể từ khi Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 5/1940. Bên ngoài, bầu trời xám ngắt màu chì, một cơn giông như sắp đè bẹp kinh thành Pari. Trong hơn một tiếng đồng hồ, Thủ tướng Lanien ngồi co ro và im lặng trong chiếc ghế bành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các phụ tá cũng câm như hến, ngồi nghe những lời chất vấn dồn dập và thẳng thắn về việc thất thủ Điện Biên.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã vĩnh viễn đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam; mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa nô dịch thuộc địa kiểu cũ trên thế giới, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa dưới ách thống trị thực dân cũ và mới trên phạm vi toàn cầu, anh dũng vùng lên giành độc lập tự do. Những cái tên rất đẹp: Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp, đã góp phần cổ suý phong trào giải phóng, yêu chuộng hoà bình dân chủ trên thế giới sát cánh bên nhau, cùng xông lên đập tan chủ nghĩa đế quốc - thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân ta, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ - là một trong những trận đánh tiêu biểu của phong trào các dân tộc nhỏ chống lại các cường quốc thực dân ngày ấy.

Điện Biên Phủ, tóm lại, đó là lôgic của cuộc chiến tranh vệ quốc toàn dân do Đảng lãnh đạo. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn và vận dụng sáng tạo học thuyết và nghệ thuật quân sự của Hồ Chủ tịch, của Đảng ta, của nhân dân ta và của quân đội ta. Xâm lược Việt Nam tức là thực dân Pháp đã chạm vào lòng tự tôn của một dân tộc có lịch sử oai hùng 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Dân tộc ấy biết đoàn kết triệu người như một mỗi khi đất nước có giặc ngoại bang, đến ngay con ngựa đá thờ ngoài đình làng cũng còn biết “theo người đi cứu nước chống xâm lăng”; đến ngay khóm nứa, bờ tre cũng tự hoá thân thành ngọn mác mũi chông cùng xông lên đánh đuổi quân thù.

Trong thời đại ngày nay, khi mà các thế lực phản động hiếu chiến chưa hoàn toàn từ bỏ dã tâm xâm lược, còn nhăm nhăm gây chia rẽ dân tộc rồi mưu toan đưa quân xâm lược ở nơi này nơi khác; thì bài học Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn giá trị lịch sử và ngày càng chứng minh một chân lý giản dị: Bất kỳ một dân tộc bị áp bức nào, khi đã đoàn kết một lòng, có chính nghĩa làm kim chỉ nam soi rọi, thì dân tộc ấy nhất định sẽ chiến thắng! Xét theo tinh thần ấy, Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc...

Nguồn: baodienbienphu.com.vn