So sánh lực lượng giữa Việt Minh và quân Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, so sánh lực lượng giữa Việt Minh và quân Pháp, cho thấy ta hoàn toàn ở thế yếu đánh mạnh. Nhưng với lòng yêu nước, căm thù quân xâm lược và dũng cảm chiến đấu, hy sinh…, nên quân ta đã giành thắng lợi cuối cùng.

 
Bác Hồ và các đồng chí Quân uỷ Trung ương bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch
Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Câu hỏi lớn đặt ra là ta sẽ làm gì để giành thắng lợi trên mặt trận chính Điện Biên Phủ?

Quân địch ở Điện Biên Phủ hiện có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, gồm phần lớn là quân tinh nhuệ bậc nhất của đạo quân viễn chinh, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly, 1 đại đội pháo 155 ly, 1 đại đội 10 chiếc xe tăng 18 tấn. Lực lượng không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh có: 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 máy bay vận tải và 1 trực thăng. Ngoài ra, địch sẽ dành 2/3 lực lượng máy bay ném bom, máy bay tiêm kích toàn Đông Dương và 100% máy bay vận tải để yểm trợ trực tiếp cho Điện Biên Phủ trong trường hợp bị tiến công.

Tổng số quân địch tại Điện Biên Phủ khoảng 12.000 người.

Lực lượng ta có 9 trung đoàn bộ binh, gồm 27 tiểu đoàn, 1 trung đoàn sơn pháo 75 ly, 2 tiểu đoàn lớn pháo 105 ly, 4 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly và 2 tiểu đoàn công binh. So sánh lực lượng bộ binh, ta hơn địch về số tiểu đoàn (27/12), nhưng quân số mỗi tiểu đoàn của ta chỉ bằng 2/3 quân số tiểu đoàn địch và trang bị yếu hơn nhiều. Về lực lượng pháo yểm hộ trực tiếp cho bộ binh, ta hơn địch ít nhiều về số lượng (64/48 khẩu), nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch.

Bài toán cũ về so sánh lực lượng lại xuất hiện: Một lần nữa, ta không có ưu thế binh lực trước kẻ địch. Ngay về số lượng bộ binh đơn thuần, ta cũng không hơn địch bao nhiêu; thông thường, phía tiến công phải có lực lượng từ 5 lần trở lên đông hơn phía phòng ngự. Chúng ta vẫn ở vào thế yếu đánh mạnh.

Tuy nhiên, lợi thế của ta ở Điện Biên Phủ khá rõ: Ta chủ động tiến công, địch bị động phòng ngự; ta là lực lượng bao vây, địch là lực lượng bị bao vây. Lợi thế này cho phép ta tự quyết định: Đánh hoặc không đánh, lựa chọn địa điểm thời gian mở cuộc tiến công. Đánh hay không đánh, đều có lợi cho ta. Nếu kìm giữ những lực lượng cơ động chủ yếu của địch một thời gian dài ở Điện Biên Phủ cho các chiến trường tiêu diệt địch thì ta đã giành được một thắng lợi lớn trong Đông Xuân năm ấy.

Những đoàn xe đạp thồ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược đã trở thành
huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm ba phân khu yểm hộ lẫn nhau. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự độc lập. Nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm, gọi là "Trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp”, có lực lượng cơ động hỏa lực của mình. Hệ thống công sự vững chắc chung quanh là hào giao thông và hàng rào dây thép gai, khả năng phòng ngự khá mạnh.

Phân khu trung tâm là bộ phận quan trọng nhất, tập trung hai phần ba lực lượng của địch (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đoàn chiếm đóng và 3 tiểu đoàn cơ động), có nhiều trung tâm đề kháng yểm trợ lẫn cho nhau, bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hỏa lực và căn cứ hậu cần, đồng thời bảo vệ sân bay. Phía đông phân khu có cả một hệ thống cao điểm rất lợi hại, đặc biệt là những ngọn đồi A1, C1, D1, E1. Những cao điểm này giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ phân khu.

Ở phía Bắc, có phân khu Bắc, gồm các trung tâm đề kháng: Đồi Độc Lập, Bản Kéo. Đồi Độc Lập có nhiệm vụ án ngữ phía Bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ. Trung tâm để kháng Him Lam, tuy thuộc khu trung tâm nhưng cùng với các vị trí đồi Độc Lập, Bản Kéo là những vị trí ngoại vi đột xuất nhất của địch, án ngữ phía Đông Bắc, ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta từ hướng Tuần Giáo vào.

Ở phía Nam, là phân khu Nam còn gọi là phân khu Hồng Cúm, có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía Nam lên, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.

Hỏa lực pháo binh được bố trí thành hai căn cứ: Một ở Mường Thanh, một ở Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn cho nhau và cho tất cả các cứ điểm khác một khi bị tiến công. Ngoài hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng, bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành hệ thống vừa tự bảo vệ, vừa yểm hộ cho những cứ điểm xung quanh

Điện Biên Phủ có hai sân bay. Sân bay chính ở Mường Thanh và sân bay dự bị ở Hồng Cúm nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không.

Cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ sẽ diễn ra trên cả địa hình đồi núi và đồng bằng. Những cứ điểm nằm trên dãy đồi phía Đông tạo thành bức bình phong che chở vững chắc cho khu trung tâm. Mọi cuộc tiến công của bộ đội ta trên cánh đồng đều phải vượt qua hỏa lực máy bay, đại bác, xe tăng và sự phản kích của quân cơ động, kể cả quân dù, trước khi đối đầu với hỏa lực bắn thẳng, hàng rào dây thép gai và bãi mìn của bản thân cứ điểm.

Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu AFP)
Chúng ta đã nhìn thấy hai nhược điểm lớn của "con nhím" Điện Biên Phủ.

Trước hết là tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm mà quân địch đã lựa chọn. Tập đoàn cứ điểm là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng trong thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân địch ở đó tuy đông nhưng khi một cứ điểm bị tấn công thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là lực lượng của bản thân cứ điểm, cộng thêm với sự yểm trợ hỏa lực từ xa và sự can thiệp của một lực lượng quân ứng chiến không đông mà ta có điều kiện để hạn chế. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm do ta lựa chọn vào thời gian thích hợp.

Thứ hai là tính cô lập của bản thân "con nhím" Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ nằm chơ vơ giữa vùng rừng núi mênh mông đã hoàn toàn giải phóng, rất xa những căn cứ hậu phương, nhất là những căn cứ không quân lớn của địch. Mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Nếu đường không bị hạn chế hay cắt đứt, địch sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Khống chế sân bay hoặc cắt đứt sân bay Mường Thanh không còn là điều khó khăn với bộ đội ta.

Do đó, ta đã chọn cách "đánh chắc, tiến chắc". Thay vì một cuộc tiến công vào toàn bộ tập đoàn cứ điểm, ta sẽ xây dựng trận địa bao vây chia cắt quân địch, đưa pháo vào những vị trí an toàn, đặt các cứ điểm trong tầm bắn, khống chế sân bay, tiếp đến sẽ tiến hành một loạt trận công kiên, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng, bắt đầu từ tiêu diệt phân khu Bắc, mở đường đưa bộ đội vào cánh đồng Mường Thanh, cắt đứt sân bay, tiến tới bóp nghẹt "con nhím" Điện Biên Phủ. Cách đánh này phù hợp với trình độ bộ đội ta, cho phép ta khoét sâu những nhược điểm của địch, biến ưu thế về binh khí kỹ thuật của địch trên chiến trường thành ưu thế áp đảo của ta trong từng trận đánh, quyết giành thắng lợi…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

............................................................

Nguồn tham khảo:

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập (Tập 15). Nxb Chính trị Quốc gia, 2001.

- "Điện Biên Phủ - Văn kiện Đảng, Nhà nước". Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- "Điện Biên Phủ - tuyển tập hồi ký (trong nước)" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị Quốc gia, 2004;

- Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam.