Hiến pháp sửa đổi và hy vọng về sự bứt phá trong nông nghiệp nước ta

Ngày 2-12-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII.

Ngày 8-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Trong nội dung của Hiến pháp (sửa đổi), giới khoa học rất hoan nghênh Ðiều 62, đó là điều sửa đổi nội dung về khoa học công nghệ với nhiều điểm quan trọng đã được bổ sung và thay thế cho Ðiều 37 của Hiến pháp năm 1992.

 
Mô hình trồng hành tại xã Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội) giúp mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ảnh: Đăng Anh

Ðiều 62 trong Hiến pháp (sửa đổi) đã nhấn mạnh "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu". Khi đã coi là quốc sách, mà lại là quốc sách hàng đầu, là nói lên tầm quan trọng hết mực của việc phát triển khoa học và công nghệ. Chúng ta hãy nhìn vào những nước gần gũi với chúng ta. Vài chục năm trước đây, họ cũng bắt đầu từ những khó khăn còn lớn hơn ta, nhưng bây giờ nhờ khoa học và công nghệ phát triển, mức sống của người dân đã được thay đổi nhanh chóng. Không chỉ hạn chế được lượng hàng nhập khẩu mà còn có thêm rất nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao được xuất ra nước ngoài, thu về nguồn ngoại tệ lớn.

Ðơn cử như Hàn Quốc. Mãi đến năm 1991, Hàn Quốc mới được gia nhập Liên hợp quốc. Ðứng lên từ đống tro tàn của chiến tranh, Hàn Quốc đã chọn con đường bứt phá về khoa học - công nghệ để hướng tới sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó có nông nghiệp. Hiện nay, với diện tích 140.000 km2 (chưa bằng một phần ba diện tích nước ta), với dân số 48,86 triệu người (xấp xỉ một phần hai dân số nước ta) nhưng GDP/PPP bình quân đầu người đã đạt đến 32.800 USD (!). Ðể đạt đến mức tăng trưởng này, tỷ lệ đóng góp cho GDP về dịch vụ chiếm đến 57,5%, công nghiệp chiếm 39,8%, còn nông nghiệp chỉ chiếm có 2,7%. Lực lượng lao động hiện tham gia trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ có 6,2%. Ðấy là những con số nói lên một quốc gia đã công nghiệp hóa và hiện đại hóa trong một thời gian không xa. Chúng ta nhớ rằng, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đạt mức GDP đầu người chỉ là 80 USD/năm, một con số xếp đất nước này vào cùng mức với Ga-na, Xu-đăng và sau Ấn Ðộ. Về sau, Hàn Quốc đã trở thành một đỉnh cao về biểu đồ tăng trưởng của thế giới, với 40 năm tăng trưởng trung bình đạt hơn 8%/năm.

Trong một Hội thảo gần đây do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã khẳng định, đến năm 2020 chúng ta khó đạt tới mục tiêu Công nghiệp hóa phát triển theo hướng hiện đại vì tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện còn cách rất xa yêu cầu này. Chúng ta biết rằng, hiện nay, GDP/PPP tính theo đầu người ở nước ta chỉ mới đạt 3.600 USD, tỷ lệ nông nghiệp trong GDP là 19,7% (công nghiệp 38,6% và dịch vụ 41,7%). Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao tới 48%. Từ nay đến năm 2020, nếu muốn đạt mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì dứt khoát phải có một sự bứt phá mạnh mẽ trong khoa học và công nghệ, để một mặt giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp nhưng lại nâng cao mức sống cho đông đảo bà con nông dân. Hiến pháp (sửa đổi) đã chỉ rõ "Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ".

Chúng ta còn hàng loạt vấn đề về khoa học và công nghệ chưa giải quyết được cho nên tuy đang là một nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng thu nhập của người trồng lúa lại thấp nhất so với các ngành nghề khác. Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp PTNT thì tỷ lệ các hộ nông dân được tập huấn chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp chỉ được khoảng 50% trở lên ở ba lĩnh vực là giống cây trồng, kỹ thuật làm đất và kỹ thuật thu hoạch, còn hàng loạt vấn đề khác như kỹ thuật chăn nuôi, sơ chế và bảo quản sản phẩm, quản lý tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu... thì tỷ lệ này chỉ từ 15% trở xuống. Tỷ lệ nông dân được mua giống lúa trực tiếp tại các công ty giống chỉ vào khoảng 14,6% trong khi tỷ lệ mua của các đại lý lên đến 39,0%. Như vậy sẽ không bảo đảm được khâu kiểm tra chất lượng giống. Trong giai đoạn 2008-2012, chỉ có 74 giống lúa được công nhận nhưng các giống lúa được nông dân ưa chuộng nhất thường lại là sản phẩm trí tuệ của nước ngoài. Chẳng hạn có tới 14,8% số diện tích trồng lúa là dùng giống IR 50404 của Viện lúa quốc tế IRRI, 6,75% là giống Khang Dân của Trung Quốc, gần đây có giống lúa XL 94017 của tập đoàn Bayer cho năng suất cao và ổn định, lại chống chịu được với bệnh đạo ôn, bạc lá.

Một thực tế thật khó hiểu là nhìn vào những con số thống kê về xuất khẩu gạo và nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong chín tháng đầu năm 2013, ta thấy hai bức tranh đối ngược. Xuất khẩu gạo giảm cả về khối lượng và giá trị, khi chỉ đạt 5,35 triệu tấn với 2,35 tỷ USD, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá gạo xuất khẩu cũng tiếp tục giảm, giá trung bình tám tháng đầu năm 2013 đạt 438,55 USD/tấn, giảm 14,36 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2012. Ngược lại, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi lại tăng tới 39,2%, đạt 2,42 tỷ USD. Trong đó riêng lượng ngô nhập đã vượt 1,33 triệu tấn với giá trị 431 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Tổng khối lượng nhập khẩu đậu tương trong chín tháng ước đạt 1,03 triệu tấn với 627 triệu USD về giá trị. Danh hiệu đứng nhất, nhì thế giới về xuất khẩu gạo của Việt Nam vì vậy cũng không có ý nghĩa gì nhiều.

Muốn có những bứt phá trong việc nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ như nội dung của Ðiều 62 trong Hiến pháp (sửa đổi) thì còn hàng loạt vấn đề cần thảo luận, tháo gỡ. Trong đó có việc tích cực đổi mới cơ chế quản lý khoa học, khắc phục tình trạng chỉ chú trọng yếu tố đầu vào mà xem nhẹ chất lượng đầu ra, cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bên cạnh đó là tổ chức lại hệ thống các viện, trường phù hợp với yêu cầu phát triển mới của ngành. Tăng cường cả về lượng và chất đối với đội ngũ nghiên cứu khoa học. Ðồng thời thường xuyên bổ sung nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt trong nông nghiệp nhằm nâng tỷ lệ vốn đầu tư lên trên 55 đến 60% như hiện nay. Song song với đó là xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong việc đặt hàng các phòng thí nghiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ nhằm tránh tình trạng "ăn đong", thiếu các nghiên cứu chuyên sâu... Nâng cao trình độ công nghệ của nhiều lĩnh vực sản xuất hiện còn ở mức thấp và lạc hậu như sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy, hải sản... Mở rộng quy mô sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ nhằm tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong giá trị sản phẩm, góp phần tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Làm tốt khâu chuẩn bị này chúng ta sẽ thật sự biến khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng
(Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam)
Nguồn nhandan.com.vn