Triển vọng qua liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp ở Phước Vinh

(NTO) Nằm dọc theo hữu ngạn, hằng năm đón nhận phù sa từ dòng sông Dinh mùa nước lũ, vùng đất xã Phước Vinh (Ninh Phước) nổi tiếng màu mỡ, thích hợp với các loại cây trồng như: bắp, thuốc lá và mía.

Những năm qua, theo hướng phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), Phước Vinh đã có bước đột phá mới khi triển khai thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất bắp lai giống liên kết “2 nhà” giữa nông dân địa phương với Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Trung tâm Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố.

 

Bắp lai chuẩn bị thu hoạch ở Phước Vinh trong vụ đông xuân.

Những ngày này, đi từ Phước Sơn lên Phước Vinh, hai bên đường những rẫy bắp mới trồng nhú mầm mơn mởn. Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giới thiệu: “Để viết về tác động của mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp ở tỉnh ta, không nơi nào rõ nét bằng Phước Vinh”. Vào vụ đông-xuân năm nay, nông dân Phước Vinh đang xuống giống trồng bắp lai, theo dự kiến sẽ đạt diện tích 400 ha. Nói bước đột phá mới, nhưng chính là Phước Vinh đang khôi phục lại vùng chuyên canh bắp giống, chỉ khác ở điểm có cơ chế thông thoáng để thu hút nhiều doanh nghiệp hơn đến liên kết với nông dân, đầu tư sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Từng là vùng liên kết sản xuất mỗi năm hàng trăm ha bắp lai giống với Công ty TNHH hạt giống CP Việt Nam từ hơn 10 năm trước, Phước Vinh đang có cơ hội phát triển nhờ có thêm 2 doanh nghiệp đến từ Nha Hố. Theo hợp đồng ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân, các doanh nghiệp nói trên hỗ trợ giống, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cho ứng tiền mặt trước không lấy lãi. Đặc biệt còn cử cán bộ kỹ thuật có mặt thường xuyên trên đồng để hướng dẫn nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật.

Hỏi chuyện với nông dân trồng bắp lai từ thôn Phước An 1 qua thôn Lương Sơn 1, chúng tôi nhận thấy mọi người đều phấn khởi, hưởng ứng tích cực mô hình liên kết. Anh Phan Văn Lý, một nông dân có 6 sào đất đăng ký trồng bắp lai, gặp chúng tôi ở cổng thôn Phước An 1, xác nhận: “Nông dân rất yên tâm sản xuất vì đầu vào được đầu tư và đầu ra sản phẩm đã có bao tiêu”. Với giá thu mua trung bình 9.000 đồng/kg, nếu trồng 1 ha bắp lai, nông dân đầu tư khoảng 25-26 triệu đồng, lấy năng suất bình quân 7 tấn/ha, trừ chi phí sẽ còn lãi chí ít 30-35 triệu đồng. Trong thực tế, năng suất bắp lai ở Phước Vinh đạt bình quân từ 7,5 đến 8 tấn/ha, cá biệt nhiều hộ đạt 9 tấn/ha, cho thấy thu nhập của nông dân còn cao hơn nhiều. Đơn cử ở thôn Phước An 2, anh Phùng Thái Tùng trồng 1,1 ha đã thu hoạch đạt năng suất 9,2 tấn/ha. Có hộ trồng chưa tới 1 ha nhưng đã đạt sản lượng cao như ở thôn Phước An 1 có anh Phùng Ngọc Điệp trồng 7 sào thu hoạch được 7,2 tấn, anh Trần Ngọc Quớt trồng 8 sào cũng thu hoạch đạt sản lượng tương tự. Điều thú vị là qua liên kết, ngoài bắp hạt, các phần thân lá còn lại được tận dụng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc ngay tại HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Phước An, góp thêm một phần thu nhập cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, trong các cây trồng chủ lực của địa phương, sau bắp lai là cây thuốc lá, vào thời kỳ hoàng kim, có thời điểm như vụ đông-xuân 2005-2006, diện tích thuốc lá trồng cả xã lên đến 570 ha. Thuốc lá trồng ở Phước Vinh có 2 loại là: Thuốc lá nâu RMB 35 (thường gọi nâu địa phương) và thuốc lá nâu Madol (người dân quen gọi nâu nhai Thụy Điển). Trước viễn cảnh xuất khẩu thuốc lá nâu Madol đem lại hiệu quả kinh tế cao, có sự liên kết của Công ty Cổ phần thuốc lá Hòa Việt từ đầu tư phân bón đến bao tiêu với giá 47.000 đồng/kg, cây thuốc lá đang có dấu hiệu được nông dân quan tâm trở lại. Từ 25 ha vụ trước, vào vụ đông-xuân năm nay diện tích thuốc lá ở Phước Vinh đã tăng gấp đôi (50 ha). Với năng suất trung bình 2,5 tấn/ha, nông dân trồng thuốc lá có thể thu lãi 30-40 triệu đồng, nghĩa là không kém cạnh với cây bắp lai. Ngoài ra Phước Vinh còn có 35 ha mía cũng thực hiện liên kết “2 nhà” giữa nông dân địa phương với Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang. Theo kế hoạch, Công ty sẽ mở rộng liên kết để tăng gấp đôi diện tích trồng mía.

Từ khi có hồ chứa nước Lanh Ra, Phước Vinh đã nâng diện tích vùng tưới từ 1.000 ha lên 1.500 ha, và đang tiếp tục khai thác lợi thế, tiềm năng vốn có nhờ sự hiện diện của 5 doanh nghiệp liên kết trên địa bàn. Vừa qua, trong cuộc tiếp xúc với nhà doanh nghiệp Hàn Quốc, Phước Vinh tiếp tục triển khai cho nông dân liên kết mới, có kế hoạch hình thành vùng trồng ớt cung cấp nguyên liệu cho phía doanh nghiệp Hàn Quốc với diện tích dự kiến 70-100 ha. Liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất đang được khuyến khích trong ngành nông nghiệp, có thể nói Phước Vinh đã đi đúng hướng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào xây dựng nông thôn mới.