Nhìn lại công tác phòng, chống phá rừng năm 2013

(NTO) Với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép, thời gian qua, công tác phòng, chống phá rừng đã được các cấp, ngành, chính quyền các địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát hiện hơn 960 vụ vi phạm Luật Quản lý và Bảo vệ rừng, trong đó vi phạm về lĩnh vực phá rừng, khai thác lâm sản và vận chuyển mua lâm sản trái phép hơn 720 vụ. Đồng chí Phạm Cao Đảm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết; trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các đơn vị kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương đã phối hợp liên tục ra quân truy quét, tuần tra, kiểm soát các vùng rừng giáp ranh và trọng điểm. Năm 2013, số vụ vi phạm đã giảm gần 250 vụ so với năm trước, nhiều địa phương có chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống phá rừng.

Lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ gỗ khai thác trái phép.

Tại huyện Ninh Sơn, địa phương “nổi cộm” về vấn đề khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép trong những năm qua; năm nay công tác phòng, chống pha rừng đã được huyện chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm. Với việc huy động cả hệ thống chính trị cùng phối hợp với lực lượng kiểm lâm triển khai tích cực và thường xuyên truy quét dọc các tuyến đường trọng yếu; tổ chức truy quét cao điểm các vùng giáp ranh, trọng điểm; kiểm tra liên ngành các cơ sở kinh doanh, chế biển lâm sản; lập danh sách các đối tượng sử dụng xe độ chế vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện tiến hành ký cam kết với các đối tượng và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Qua triển khai thực hiện, công tác trên đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã phát hiện hơn 330 vụ vi phạm. Theo đồng chí Nguyễn Đức Hinh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, do nhu cầu sử dụng gỗ trong xã hội ngày càng nhiều, cộng với lợi nhuận thu được từ rừng khá cao nên tình trạng khai thác, chế biến lâm sản diễn ra ngày càng phức tạp. Vấn đề khó khăn của huyện Ninh Sơn thời gian qua chính là các vùng giáp ranh và xe độ chế vận chuyển. Trước tình trạng đó việc tăng cường hoạt động kiểm tra, phối hợp truy quét của Đoàn liên ngành 12 là rất cần thiết và thực tế chỉ hơn 1 tháng liên tục “ đánh mạnh” vào các khu vực trọng điểm và tập trung ráo riết về việc “truy bắt” xe độ chế, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Chỉ tính riêng từ tháng 11 đến nay, hoạt động tuần tra, truy quét của Đoàn liên ngành 12 huyện đã ngăn chặn gần 10 vụ khai thác rừng, bắt giữ 35 xe độ chế và thu giữ gần 50m³ gỗ các loại.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành và chính quyền địa phương, năm 2013, công tác phòng, chống phá rừng đã có những chuyển biến tích cực và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn chung công tác quản lý và bảo vệ rừng vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vấn đề cần phải tập trung khắc phục. Theo đồng chí Phạm Cao Đảm, một trong những giải pháp trọng tâm để tăng cường hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian tới chính là kiểm tra, chấn chỉnh lại các lực lượng kiểm lâm địa bàn. Bên cạnh đó, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng cho người dân; tập trung chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm như xe độ chế; phá rừng làm rẫy, quản lý cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản… để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả cao.