Quản lý xe đạp điện khi tham gia giao thông

(NTO) Dễ sử dụng và giá thành không quá cao, xe đạp điện (XĐĐ) đang là phương tiện phổ biến trong thanh-thiếu niên hiện nay. Tuy nhiên, vì chưa phải đăng ký với cơ quan chức năng như xe gắn máy nên công tác quản lý XĐĐ vẫn còn nhiều “lỗ hổng”. Số lượng XĐĐ vi phạm trật tự ATGT ngày càng tăng, mức độ an toàn của phương tiện này cũng giảm đáng kể sau khi bị độ, chế và điều khiển bởi những thanh-thiếu niên thích “thể hiện”.

Thích chơi “ngông”

Rất nhiều bảng “Cổng trường an toàn giao thông (ATGT)” đã được lắp đặt, nhằm tuyên truyền vận động giáo viên, học sinh bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên tình trạng vi phạm TTATGT của học sinh đi XĐĐ vẫn cứ diễn ra. Nhiều học sinh đi XĐĐ không đội mũ bảo hiểm, thậm chí vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, lấn chiếm gần hết phần đường dành cho các phương tiện khác… Đặc biệt, không hiếm trường hợp học sinh đi XĐĐ đã qua độ, chế mà vẫn phóng nhanh trên đường …

Học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.

Chủ một tiệm sửa xe trên đường 21 Tháng 8, cho biết: Khách tìm đến độ, chế XĐĐ chủ yếu là học sinh nam cấp THPT trong thành phố. Những đối tượng này thích chơi “ngông” nên đã nghĩ tới việc độ, chế xe, họ thường muốn chúng tôi chế đầu xe máy vào đầu XĐĐ hoặc thêm các chi tiết để đầu xe trông khác lạ hơn, lắp thêm đèn xe để tăng ánh sáng, tăng âm để còi kêu to hơn bình thường, thay phuộc nhún xe máy, gắn biển số giả, sơn lại màu xe cho nổi bật, bắt mắt và đặc biệt là muốn thay đổi động cơ để tăng tốc độ XĐĐ lên tới 40-50 km/giờ. Một số em ít có “điều kiện” hơn thì có thể dán đề-can cũng tạo được “cá tính” riêng. Giá của các dịch vụ này trung bình từ 100 - 500 nghìn đồng, tùy vào độ phức tạp của các yêu cầu. Riêng về trường hợp độ chế XĐĐ để tăng tốc độ “ngang ngửa” với mô-tô thì giá phải lên tới cả triệu đồng. Nhân viên của cửa hàng XĐĐ Hoa Công trên đường Thống Nhất (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), cho biết: Do thiết kế về độ bền, độ chịu lực và hệ thống phanh, cũng như khả năng giảm tốc của XĐĐ thấp hơn xe máy cho nên việc độ, chế XĐĐ kiểu này rất nguy hiểm khi tham gia giao thông. Trong khi tư vấn bán XĐĐ cho khách hàng, nhân viên này cũng luôn nhắc nhở khách lưu ý vấn đề trên.

Trên thực tế thì người sử dụng cứ thích là tự ý mua đồ về độ, chế hoặc mang ra tiệm sửa xe, còn nhân viên sửa xe thì cứ có khách hàng yêu cầu là họ không từ chối, miễn là có đủ đồ nghề trong tay.

Điều nghịch lý là hầu như tất cả các em đều có trang bị mũ bảo hiểm nhưng lại không sử dụng. Trời nắng hay mưa vẫn để đầu trần, còn chiếc mũ bảo hiểm thì trở thành một “phụ kiện” treo trên xe. Khi được hỏi lý do, các em chỉ cười và nói “Giờ này chắc không có cảnh sát giao thông đâu!”

Khó quản lý

Theo Đội Cảnh sát giao thông, Công an Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, trong năm 2013, trên địa bàn thành phố có trên 800 trường hợp XĐĐ vi phạm trật tự ATGT, với các lỗi phổ biến là không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, kéo đẩy nhau, chở quá số người quy định,…

Vì là phương tiện chưa phải đăng ký với ngành chức năng nên chưa có con số chính xác về số XĐĐ của toàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, ghi nhận tại các trường THPT và THCS cho thấy có khoảng trên 80% phương tiện của học sinh là XĐĐ (ở khu vực thành thị) và dao động ở mức 30-50% (ở khu vực nông thôn).

Thượng tá Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (Công an Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết: Với mỗi trường hợp xử phạt XĐĐ, chúng tôi tạm giữ phương tiện và yêu cầu các em viết bản kiểm điểm có xác nhận của công an cơ sở, phụ huynh đến nộp phạt cũng được nhắc nhở quản lý, giáo dục con em. Chúng tôi chỉ gửi thông báo về Sở Giáo dục & Đào tạo chứ chưa gửi trực tiếp đến trường vì nhiều lý do. Một mặt, kết quả học tập ở trường của các em sẽ bị ảnh hưởng, dễ gây nên tác dụng ngược, mặt khác một số thanh-thiếu niên không khai đúng tên tuổi, trường lớp đang học nên cũng khó gửi về đúng địa chỉ. Thực tế, công tác tuyên truyền, giáo dục được triển khai sâu rộng ở tất cả các trường học, địa phương. Các em vẫn biết, vẫn hiểu luật nhưng lại chưa tự giác chấp hành khi tham gia giao thông. Để tạo chuyển biến, chúng tôi phải tăng cường tuần tra kiểm soát, đồng thời tiếp tục giáo dục, tạo thay đổi dần trong nhận thức của các em về chấp hành pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý XĐĐ, giảm thiểu nguy cơ TNGT từ phương tiện này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 5388/KH-UBND về “Tổ chức chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng xe đạp điện, xe máy điện trên địa bàn tỉnh”.