Kinh tế Việt Nam 2014: Triển vọng tích cực

Mặc dù vẫn phải đối mặt với những biến động của tình hình khu vực và thế giới, nhưng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cùng với các nhóm giải pháp của Chính phủ được dự báo sẽ mang lại tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam năm 2014.

Công Thương - Nhiều điểm sáng

Theo các chuyên gia, mục tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10% hoàn toàn có thể đạt được bởi 4 yếu tố. Thứ nhất, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu ngày càng hoàn thiện theo hướng tích cực; Thứ hai, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng, nguyên phụ liệu thiết yếu do vậy ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt, đặc biệt là thị trường Mỹ, EU…; Thứ ba, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện tử- máy tính- linh kiện và dệt may- giày dép vẫn còn rất tiềm năng. Nhiều DN dệt may, giày dép đã nhận được đơn hàng quý I và II/2014; Thứ tư, Việt Nam tham gia các hiệp định hợp tác TTP, Cộng đồng Kinh tế Asean AEC và hiệp định song phương với nhiều nước sẽ mở ra cơ hội mới cho hoạt động xuất khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ tăng trưởng 13-14% và đạt mức 148-150 tỷ USD.

Cần phải đầu tư nhiều cho sản xuất hàng dệt may.

Về thu hút nguồn vốn FDI, ODA, trong năm 2013, Chính phủ có nhiều quyết định thay đổi nhằm tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI cũng như các cam kết tăng mức ODA của EU, Thụy Sĩ… Thêm vào đó, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nền chính trị ổn định, chính sách cải cách ngày càng chuyển biến tích cực. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tăng trở lại. Dự báo năm 2014, FDI đăng ký sẽ tăng với mức trên 18 tỷ USD và vốn giải ngân đạt 10,5-11 tỷ USD, lượng vốn ODA vào Việt Nam sẽ tăng ở mức 10-15% so với năm 2013. Cùng với đó, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD năm 2013, đồng thời có sự chuyển dịch tích cực vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản. Các nguồn FDI, ODA, kiều hối tăng trưởng sẽ góp phần đưa cán cân tổng thể thặng dư đồng thời bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.

Những dự báo triển vọng

Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2014 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 7% và tăng trưởng GDP khoảng 5,8%. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành phải nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm. Đặc biệt là các chính sách về tiền tệ, tái cơ cấu nền kinh tế, điều tiết thu, chi ngân sách, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản…

Theo “Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014” của Trung tâm nghiên cứu BIDV, sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu; sự ổn định của các nước mới nổi cùng các chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước sẽ giúp nền kinh tế thế giới năm 2014 có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 3,5%, tốt hơn năm 2013 (2,9%). Điều này, dự kiến sẽ mang lại những thuận lợi cho việc phục hồi kinh tế Việt Nam trong năm 2014.

Nhiều nước Asean, trong đó có Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên trong giai đoạn 2008-2011, kinh tế khu vực Asean bị ảnh hưởng do cầu hàng hóa từ các nước Mỹ, châu Âu suy giảm. Tuy nhiên, nhờ sự phục hồi sau khủng hoảng tại các nước phát triển cũng như việc chuyển hướng thúc đẩy nhu cầu nội địa, tăng trưởng của khu vực đã từng bước ổn định.

Với những tác động như trên, dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng dựa trên tăng trưởng về xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, các nguồn hỗ trợ ODA và tăng nguồn kiều hối. Cụ thể, việc gia nhập TPP sẽ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước có tham gia. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có lợi thế so với hàng hóa các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan… bởi mức thuế suất sẽ thấp hơn. Cùng với việc Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một điều kiện thu hút FDI, nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tuy nhiên Việt Nam cũng phải đề phòng những cú sốc từ bên ngoài có thể tác động tới giá cả trong nước, chẳng hạn những biến động khó lường do tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, Đông Á. Hay việc tham gia TPP cũng tạo ra áp lực cho Việt Nam khi ngành công nghiệp phụ trợ, chế biến chưa phát triển. Thêm vào đó, sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và việc điều chỉnh chính sách, mô hình tăng trưởng của các nước mới nổi với xu hướng thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam có thể giảm.

Nguồn Báo Công Thương Điện Tử