Thuận Bắc: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

(NTO) Năm 2013, thưc hiện công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, huyện Thuận Bắc đã mở 9 lớp đào tạo nghề cho 389 lao động, đạt 130% kế hoạch, giải quyết việc làm cho 870 lao động, vượt 9% so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Định, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội huyện Thuận Bắc cho biết: Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu đăng ký, huyện chủ động khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, giao chỉ tiêu cho từng xã, đồng thời phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận, Trung tâm Giới thiệu việc làm… tổ chức dạy nghề cho học viên; tuyên truyền, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động.

Công ty Xuất khẩu nông sản thu hút trên 30 lao động thôn Bỉnh Nghĩa tham gia sơ chế hạt điều
góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. Ảnh: Sơn Ngọc

Để đáp ứng nhu cầu người học, huyện Thuận Bắc tập trung đào tạo 3 nhóm nghề thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, gồm: kỹ thuật trồng bắp, lúa; chăn nuôi bò, heo, dê, cừu; kỹ thuật đan lát, may mặc. Sau đào tạo, các học viên được tiếp cận với thực tế, nâng cao tay nghề, từ đó áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình sản xuất lúa giống TH6 tại xã Bắc Sơn cho năng suất 65 tạ/ha; mô hình ứng dụng khoa học công nghệ “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa vụ hè-thu tại xã Công Hải tiết kiệm mỗi ha: 100kg lúa giống, 70 kg phân urê, giảm 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bình quân đạt 68 tạ/ha (cao hơn 5 tạ so với ruộng đối chứng). Mô hình đan lát tại xã Phước Chiến giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 70 ngàn đồng/người/ngày.

Vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cũng được huyện quan tâm chú trọng. Để học viên có nguồn vốn mở rộng sản xuất, huyện tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mô hình giảm nghèo tại xã Phước Kháng giải ngân vốn cho 33 hộ vay phát triển chăn nuôi bò (15 triệu đồng/hộ). Đối với các học viên tham gia lớp nghề phi nông nghiệp, huyện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm. Bằng hình thức này, trong năm huyện giải quyết việc làm cho 352 lao động làm việc trong tỉnh, 518 lao động làm việc ngoài tỉnh, trong đó 106 lao động làm việc tại TP. Hồ Chí Minh được huyện trực tiếp đưa đi.

Năm 2014 và những năm tiếp theo, để công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả, huyện Thuận Bắc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề lao động, việc làm, xuất khẩu lao động. Tăng cường sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong vấn đề giải quyết việc làm. Từng bước giảm tỷ lệ đào tạo nghề nông nghiệp, tăng tỷ lệ nghề phi nông nghiệp, trong đó chú trọng các nghề thu hút nhiều lao động như: may mặc, chế biến hải sản; phấn đấu dạy nghề cho 300 lao động, giải quyết việc làm 800 lao động.