Tháng 11: Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng 0,47%

(NTO) Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2013 trên địa bàn tỉnh tăng 0,47%, cao hơn 0,06% so với tháng trước. Đáng nói là khu vực nông thôn “áp lực” tăng giá có cao hơn với chỉ số tăng 0,48%, trong khi đó khu vực thành thị chỉ tăng 0,46%. Qua phân tích cho thấy, trong chỉ số tăng chung nói trên nhóm hàng hoá tăng 0,66% và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,11%. Như vậy, CPI tháng 11 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,43%.

Nhìn chung, trong “rổ” các nhóm hàng hóa thiết yếu của tháng 11-2013 vừa qua tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm, nguyên nhân là do tình hình mưa, bão xảy ra liên tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung, gây tác động tăng giá…Cụ thể ở một số nhóm mặt hàng như sau:

Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: So với tháng trước, chỉ số nhóm này tăng 0,83%, trong đó giá lương thực tăng 1,26%, chủ yếu là giá gạo tăng bởi tác động từ tình hình xuất khẩu gạo có chiều hướng khả quan làm cho giá gạo tẻ tăng so với tháng trước; giá thực phẩm tăng 0,94%, chủ yếu là thủy sản tươi sống (tăng 2,23%), rau, củ, quả (tăng 2,92%) tăng. Đồ uống và thuốc lá tăng 2,49% chủ yếu là giá thuốc lá tăng. Nhóm nhà ở và vật liệu liệu xây dựng tăng 0,69%, trong đó, giá vật liệu xây dựng tăng 1,87% so với tháng trước do xi măng, giá cát xây dựng tăng cao. Nhóm giao thông giảm 0,56% chủ yếu là trong tháng giá xăng được điều chỉnh giảm nên góp phần làm giảm chỉ số của nhóm này so với tháng trước.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,11% so với tháng trước chủ yếu là vật phẩm văn hóa tăng 2,97%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10% chủ yếu là đồ dùng cá nhân tăng.

So với tháng trước, chỉ số giá vàng giảm 0,48%; Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,11%.

Giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cũng tác động đến sức mua của người tiêu dùng.

Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 11 đạt trên 950,43 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2012. Trong số này, Thương nghiệp chiếm 79,83%, Khách sạn-nhà hàng chiếm 12,61%, Dịch vụ chiếm 7,53%...

Theo phân tích của các nhà chuyên môn, trong tháng 11 tổng mức bán ra của tất cả các thành phần kinh tế đều có xu hướng tăng lên đặc biệt là khu vực tư nhân và cá thể. Hàng hoá trên thị trường hiện nay đa dạng, phong phú về chủng loại và giá cả nên rất thuận lợi trong việc mua sắm của nhân dân. Trong tháng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại tiếp tục tổ chức bán hàng khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng qua đó góp phần làm tăng doanh thu hoạt động thương nghiệp. Hoạt động xây dựng trong dân vẫn tăng khá qua đó góp phần làm doanh thu bán vật liệu xây dựng tăng lên. Tháng 11 tuy không phải là tháng du lịch trong năm, nhưng hoạt động tổ chức lễ cưới trong tháng tăng cũng tác động làm doanh thu hoạt động khách sạn-nhà hàng (đặc biệt doanh thu hoạt động ăn uống) vẫn đạt ở mức cao…