Chính phủ: Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 14

(NTO) Chiều ngày 8-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hôi nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 14 (tên quốc tế là HaiYan) với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau và các tỉnh Tây Nguyên. Ở tỉnh ta tham dự có các đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bão HaiYan hoạt động phía đông biển Đông miền Trung Philippin, với cường độ cấp 17, đang di chuyển nhanh về phía biển Đông. Dự kiến đêm ngày 8/11 bão sẽ đi vào biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh và có diễn biến rất phức tạp. Dự báo trong 24 giờ đến 48 giờ tiếp theo, bão sẽ tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây- Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,
lãnh đạo các sở, ngành và địa phương dự Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 14
Ảnh: Văn Miên

Đến 7 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc, 109 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức từ 167 đến 201 km/giờ), giật trên cấp 17. Trong khoảng 24 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Do ảnh hưởng của hoàng lưu bão từ chiều tối ngày 8-11, vùng biển phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 11, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17; biển động dữ dội. Theo dự báo đây là cơn bão lớn nhất trong lịch sử  đổ bộ vào biển Đông, bão đổ bộ vào nước ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Với dự báo cơn bão HaYa có sức tàn phá vô cùng lớn, kéo theo đó mưa lớn khả năng nước biển dâng từ 4-6 mét. Tại hội nghị, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương yêu cầu các tỉnh triển khai ngay phương án di dời nhân dân ở các địa phương nằm ven biển, ven sông lên vùng cao; đưa dân đến nơi nhà kiên cố, an toàn; không cho bất cứ người dân nào ở trên tàu thuyền, bè nuôi thủy sản khi có bão xảy ra; tập trung chằng chống nhà ở, kho tàng, trụ sở. Trong trường hợp khẩn cần phân luồng giao thông, hoặc không cho các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1A. Tất cả tàu thuyền đang đánh bắt trên biển Đông phải gọi về neo đậu tại những nơi an toàn...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là siêu bão lớn nhất trong lịch sử đổ bộ vào biển Đông và lớn trong lịch sử đổ vào đất liền nước ta nên tính chất nguy hiểm khó lường. Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Trung ương và các tỉnh là huy động toàn bộ hệ thống chính trị, có sự tập trung chủ động cao độ để ứng phó với cơn bão HaiYan, nhằm giảm thiểu những thiệt hại tới mức thấp nhất. Nhiệm vụ cao nhất là thực hiện các giải pháp bảo vệ tính mạng của người dân, bảo vệ tài sản của nhân dân và Nhà nước. Dừng tất cả các cuộc họp, hoạt động từ Trung ương đến cơ sở dồn sức cho chống bão. Các cơ quan chức năng và truyền thông thường xuyên cập nhật  thông tin về cơn bão để người dân biết cùng đối phó kịp thời. Huy động tổng lực tham gia ứng phó với cơn bão, trong đó lực lượng chủ đạo là Quân đội, Công an và thanh niên. Quan tâm đảm bảo an toàn cho người dân sau bão; đảm bảo an toàn lưu thông, thông tin, liên lạc; khắc phục nhanh hậu quả sau lũ để nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất.

Ngay sau hội nghị trực tuyến, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 14. Đồng chí chỉ đạo, theo dự báo cơn bão số 14 không ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, tuy nhiên đây là siêu bão nên sức tàn phá rất mạnh và diễn biến phức tạp khó lường, tỉnh ta không chủ quan mà phải triển khai cấp bách các phương án ứng phó. Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với cơn bão số 13 vừa qua, các ngành, các địa phương rà soát bổ sung kịp thời các phương án để ứng phó ở cấp độ cao hơn. Chủ động ứng phó với cơn bão số 14 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, vì vậy nhiệm vụ hàng đầu là không để ảnh hưởng đến tính mạng người dân, đảm bảo an toàn tài sản của nhân dân, của Nhà nước. Tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, cơ quan chức năng rà soát lại số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Từ 19 giờ ngày 9-11, tất cả tàu thuyền phải neo đậu vào bờ. Khi bão vào tất cả mọi người trên tàu, trên bè nuôi thủy sản phải lên bờ, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế. Thực hiện ngay phương án di dời dân vùng ven biển, ven suối, ven sông đến nơi an toàn; tập trung chằng chống nhà cửa của người dân. Rà soát lại nơi có nguy cơ sạc lở, thông báo những nơi nguy hiểm để người dân biết phòng tránh. Khi cần thiết phải xả lũ ở các hồ chứa phải có phương án hết sức chi tiết, cụ thể để đảm bảo an toàn vùng hạ lưu. Đình tất cả các cuộc hội họp, hoạt động để tập trung ứng phó bão lũ. Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhập thông tin về cơn bão để người dân biết chủ động phòng tránh bão.

*Mời xem video clip: Chính phủ: Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 14